(VOV)_ Cùng làm việc với Bộ TN và MT còn có đại diện Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ.
“Làm sao để quản lý và sử dụng đất đai một cách hiệu quả” là vấn đề nóng và được đưa ra thảo luận nhiều nhất trong buổi làm việc này. Gần đây, công tác quản lý và sử dụng đất đai đã có những bước tiến mới, nguồn lợi từ đất đai cho người dân và ngân sách nhà nước tăng lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại. Đó là tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” vẫn xảy ra, gây lãng phí hàng chục nghìn ha đất; mức đền bù giải phóng mặt bằng một số nơi thấp, chưa theo giá thị trường, gây bức xúc trong dư luận và khiếu kiện đông người. Việc định giá đất thấp cũng làm thất thu thuế cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tài nguyên đất, nước, khoáng sản- lãng phí trong sử dụng
Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu ví dụ và đề xuất: Hiện nay chúng ta sử dụng rất lãng phí tài nguyên đất. Ví dụ, có một trường đại học xin 25 ha đất. Ngay gần đó là đồi rất đẹp thì không xin mà xin xuống ruộng. Hỏi tại sao thì chủ đầu tư cho biết, xin dưới ruộng đền bù dễ hơn, trên đồi có nhà có cây đền bù khó khăn hơn nhiều. Trong khi đó đối với một trường đại học nằm trên đồi đẹp hơn dưới ruộng rất nhiều. Một thửa ruộng hàng nghìn năm ông cha mới làm được 1 ha ruộng lúa bây giờ trong 5 phút lấp vài xe cát là xong. Tôi nghĩ chúng ta cần có chiến lược sử dụng đất hết sức tiết kiệm. Cần phải có một thuế đất rất nặng nếu anh sử dụng ruộng lúa nước, không phải cứ tính bình quân như hiện nay.
Liên quan đến lĩnh vực địa chất và khoáng sản, đại diện các bộ ngành cho biết, nước ta chưa khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có. Chúng ta thường xuất khẩu tài nguyên ở dạng thô với giá rất rẻ như các loại quặng, dầu thô, than, sau đó phải nhập khẩu nguyên nhiên liệu như; điện, xăng dầu.v.v… để phục vụ sản xuất, rồi lại tình trạng khai thác khoáng sản không theo quy hoạch, kế hoạch, khai thác trái phép vẫn xảy ra ở một số địa phương, gây thất thu thuế cho nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường… Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, cho biết: Về lĩnh vực khoáng sản thì trước hết chúng tôi tập trung tham mưu cho Chính phủ sửa đổi một số điều trong Luật Khoáng sản để trình Quốc hội phê duyệt vì luật khoáng sản sau một thời gian thực hiện triển khai thì có một số điều đang vướng mắc, cần tháo gỡ, trong đó có việc bàn phân cấp như thế nào cho các địa phương, phân cấp như thế nào đối với các bộ ngành trong các vấn đề về cấp giấy khai thác khoáng sản.v.v. để triển khai thực hiện thì chúng tôi đã trình Chính phủ và Chính phủ đã ban hành Nghị định 160 đối với triển khai Luật Khoáng sản sửa đổi bổ sung. Chúng tôi nghĩ sẽ tiếp tục bổ sung hơn nữa.
Về tài nguyên nước, hiện nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước diễn ra nghiêm trọng cả ở nước mặt và nước ngầm; tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên nước diễn ra phổ biến ở trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.v.v... Minh chứng cho vấn đề này, theo quy định của Luật Tài nguyên nước, nguồn nước ngầm chỉ ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, tuy nhiên, hiện nay các cơ sở sản xuất vẫn khai thác nước ngầm để lấy nước sản xuất. Nước ta là một trong những nước có tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh trên thế giới, các khu công nghiệp ra đời ngày càng nhiều, do vậy nếu không có chiến lược sử dụng nước hiệu quả sẽ sớm bị cạn kiệt. Ngay thời điểm này, một số khu đô thị lớn như Hà Nội, thành phố HCM, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra cục bộ trong những mùa nóng.
Ông Nguyễn Thái Lai - Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT, cho biết: Hầu hết các công tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước chưa được triển khai. Thứ nhất là số liệu tài nguyên nước chưa nắm chắc, kiểm kê đánh giá tài nguyên nước là từ xưa đến nay chúng ta chưa bao giờ tiến hành. Chúng ta có điều tra, đánh giá tài nguyên nước nhưng kiểm kê tài nguyên nước là chưa có. Thứ hai là quy hoạch khai thác tài nguyên nước thì mới có quy hoạch khai thác tài nguyên nước của riêng từng ngành, nhưng quy hoạch khai thác tổng thể là chưa có. Chính vì đó chưa có bản quy hoạch tài nguyên nước tổng hợp dẫn đến tình trạng cạnh tranh sử dụng nước trong mùa cạn hiện nay là phổ biến. Hiện nay trong mùa cạn giữa khai thác nước cho nông nghiệp, cho thuỷ điện, giao thông thuỷ, thuỷ sản là vấn đề lớn.
Quản lý tốt và xử lý nghiêm những vi phạm
Để quản lý và sử dụng một cách hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên vào phát triển kinh tế, cần có những biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, cùng với đó là cần có các mức thuế, phí và lệ phí cao hơn để nâng cao ý thức của đối tượng sử dụng. Đây cũng là yếu tố quan trọng để nhà nước có nguồn ngân sách chi cho việc quản lý môi trường và quay trở lại phục vụ phát triển kinh tế.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, cho rằng: Hiện nay tổng số thu về thuế tài nguyên môi trường chỉ hơn 1% tổng thu nội địa thì mức này là chưa tương xứng với tiềm năng của chúng ta. Giá tính thuế chúng ta tính theo giá thương phẩm, nhưng giá thương phẩm chưa phản ảnh đúng theo giá thị trường. Đây là vấn đề chúng tôi cho rằng 2 ngành phải phối hợp, đánh giá lại kỹ hơn nữa về tác động chính sách thuế về lĩnh vực này để có điều chỉnh cho phù hợp.
Tại buổi làm việc với Bộ TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Tôi đề nghị Bộ chúng ta tập trung vào một số việc trọng điểm sau. Trước hết là vấn đề hoàn thiện thể chế và quy phạm pháp luật tài nguyen môi trường. Tôi nghĩ các đồng chí đã làm rất tốt rồi nhưng có thể nói là cần tiếp tục rà soát để tìm ra những điểm bất cập để chúng ta sửa đổi. Kể cả những nội dung đã có quy định trong luật pháp mà chúng ta thấy bất hợp lý là chúng ta phải đề xuất sửa đổi ngay, nếu chúng ta chờ đợi thì ảnh hưởng tới quá trình phát triển của chúng ta. Vấn đề nữa là công tác quy hoạch chiến lược. Các đồng chí có nói là quy hoạch sư dụng đất mới được 50% số xã, quy hoạch xây dựng mới được 20% số xã cả nước thế thì chúng ta biết rất khó khăn trong phát triển kinh tế. Không có quy hoạch thì không được triển khai, không được làm. Còn vấn đề chồng chéo giữa các quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất như thế nào thì đây là việc trong thời gian tới chúng ta phải có thống kê lại.
Tài nguyên thiên nhiên là một trong những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như nước ta. Tuy nhiên, nếu không quản lý và khai thác hiệu quả, có chiến lược sử dụng dài hạn nguồn lực này thì sẽ sớm bị mất đi. Vì vậy việc điều tra, tổng hợp các số liệu cụ thể, lấy đó làm cơ sở để có chiến lược sử dụng là công việc cấp bách trong thời điểm hiện nay./.