Sáng 22.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ 49.
Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã cho ý kiến về Quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2005 và việc thành lập thêm 4 đơn vị kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực, giao chỉ tiêu biên chế năm 2007 cho KTNN; Xem xét dự án Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Tờ trình báo cáo Quyết toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2005 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Trí Trung trình bày, nêu rõ: Nhiệm vụ thu cân đối ngân sách nhà nước vượt dự toán 22%; Chi ngân sách tăng 12,2% so với dự toán. Bội chi NSNN là 4,86% GDP, trong mức QH cho phép; Tính đến ngày 31.12.2005, dư nợ Chính phủ là 35,7%, dư nợ ngoài nước của quốc gia là 31,1% vẫn trong mức bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và không gây tác động xấu đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hiện tại và thời gian trung hạn sắp tới.
Tổng Kiểm toán nhà nước Vương Đình Huệ cũng đã trình bày báo cáo kiểm toán về quyết toán thu chi NSNN, làm rõ thêm một số vấn đề thu chi trong báo cáo của Bộ Tài chính.
Cơ bản thống nhất với tờ trình của Bộ Tài chính, nhưng Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế và Ngân sách do Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên trình bày đã chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ thu chi NSNN năm 2005 của Chính phủ như: Tình trạng lập dự toán và giao dự toán thu NSNN không sát thực tế ở một số địa phương; Số nợ đọng tiền thuế vẫn lớn; Quản lý thu qua NSNN chưa bao quát hết các khoản thu của các đơn vị, đặc biệt là đơn vị sự nghiệp có thu; Chi ngân sách sai quy định; Quyết toán chi đầu tư phát triển của NSĐP tăng 19,9% dẫn đến nguy cơ gây phát sinh mới về nợ XDCB; Số chi chuyển nguồn ngày càng lớn chứng tỏ công tác quản lý và điều hành NSNN còn nhiều bất cập…
Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu, sau khi có Luật Ngân sách nhà nước và Kiểm toán nhà nước đi vào hoạt động, chất lượng quyết toán NSNN đã được nâng cao rõ rệt.
Mặc dù đây là báo cáo quyết toán ngân sách của năm 2005 nhưng theo Chủ nhiệm UB Đối ngoại Vũ Mão, cần phải xem xét kỹ lưỡng để rút ra những bài học, những kinh nghiệm bổ khuyết cho việc thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách trong thời gian tới. Thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong quyết toán thu chi NSNN của Chính phủ, Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình nhận xét: Những vấn đề như trốn thuế, nợ thuế, buôn lậu, đầu tư dàn trải, quy hoạch chồng chéo, thất thoát, lãng phí… kỳ họp nào cũng được các ĐBQH nêu ra và lần nào Chính phủ cũng hứa đã, đang và sẽ xem xét nhưng cho đến nay tình hình vẫn thế. Bên cạnh đó, tình trạng chi chuyển nguồn đang ngày càng tăng. Theo Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh, dù là chi chuyển nguồn từ năm này sang năm khác hay chuyển mục đích chi đều hết sức nguy hiểm. Nếu tình trạng tuỳ tiện này không được kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ dễ gây rôæi loạn trong quản lý, phân bổ ngân sách và Chính phủ sẽ hết sức khó khăn trong việc điều hành.
Một vấn đề khác được các Uỷ viên UBTVQH đặc biệt quan tâm là việc năm nào Chính phủ cũng trình dự toán thu NSNN thấp hơn và dự toán chi NSNN cao hơn so với mức thực tế. Chủ nhiệm Bùi Ngọc Thanh phân vân: Chính phủ làm như vậy có phải là để giữ thành tích hay chỉ là tránh né khó khăn và đề phòng rủi ro? Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình, phàn nàn: QH đã góp ý rất nhiều lần về vấn đề này nhưng Chính phủ chỉ tiếp thu rất ít, việc công khai minh bạch các khoản thu chi NSNN để khắc phục tham nhũng, lãng phí… trên thực tế vẫn chưa làm tốt. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Tráng A Pao bổ sung: Nếu cứ như hiện nay thì tình trạng tùy tiện, tiêu cực trong thu chi ngân sách sẽ khó mà khắc phục. Nhiều Ủy viên khác đề nghị cần xác định rõ chế độ trách nhiệm cá nhân trong việc chi ngân sách tùy tiện và kiến nghị cần sửa Luật Ngân sách nhà nước, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với việc quản lý thu chi ngân sách để việc Quyết toán NSNN ngày càng minh bạch, góp phần quan trọng vào việc phòng, chống tham nhũng, thất thoát lãng phí tài sản của nhà nước.
Trong phiên làm việc buổi chiều, UBTVQH đã nghe tờ trình Về việc thành lập thêm một số Kiểm toán nhà nước khu vực và giao biên chế năm 2007 cho KTNN; Xem xét việc thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
KTNN là cơ quan chuyên môn do QH thành lập nhằm xác nhận tính đúng đắn, chính xác của các báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của nhà nước… Tuy nhiên, hiện nay KTNN đang ở vào tình trạng quá tải. Tờ trình do Tổng KTNN Vương Đình Huệ trình bày đề nghị thành lập thêm 4 KTNN khu vực, dự kiến mỗi đơn vị này sẽ có khoảng 50 cán bộ và đề nghị UBTVQH xem xét, giao bổ sung biên chế năm 2007 cho KTNN thêm 116 cán bộ KTNN chuyên ngành, 200 cán bộ KTNN khu vực và 7 cán bộ cho các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành.
Về vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình và Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận băn khoăn: KTNN quá tải là do thiếu người hay thiếu tổ chức? Nếu thiếu người thì có thể tăng thêm biên chế, còn thành lập thêm 4 KTNN khu vực, tăng thêm đầu mối như tờ trình là không đơn giản.
Tuy nhiên, các Ủy viên khác đều đồng tình cao với chủ trương thành lập thêm 4 KTNN khu vực. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Tráng A Pao, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Trần Thị Tâm Đan… cho rằng: Việc thành lập thêm là cần thiết nhưng thành lập như thế nào thì KTNN cần phải có đề án cụ thể, có lộ trình rõ ràng. Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu lưu ý: Cần phải hết sức chặt chẽ trong việc lựa chọn cán bộ, phải có chuyên môn, trung thực, có đạo đức trong sáng… Nếu làm ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng đủ về số lượng nhưng không bảo đảm về chất lượng. Phải bảo đảm tối thiểu về nhân sự, cơ sở vật chất kỹ thuật thì mới thành lập nhưng cũng không nhất thiết mỗi KTNN khu vực được thành lập mới phải có ngay biên chế 50 kiểm toán viên trong năm nay.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó chủ tịch QH Trương Quang Được khẳng định: UBTVQH nhất trí cao với chủ trương thành lập ngay 4 KTNN khu vực, đồng ý giao bổ sung chỉ tiêu biên chế năm 2007 nhưng số lượng được giao tăng thêm phải có lộ trình từng bước từ nay cho đến đầu năm 2009 trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu cán bộ, bảo đảm cân xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cũng trong buổi chiều, UBTVQH đã thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Dự thảo do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hằng trình bày: Sửa đổi Điều 9, Điều 10 của Pháp lệnh, bổ sung một khoản quy định chế độ trợ cấp một lần đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945 và thân nhân của người hoạt động cách mạng từ 1.1.1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19.8.1945 đã chết nhưng chưa được hưởng chế độ ưu đãi. Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày đã nhất trí về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh này. Cơ quan thẩm tra cũng kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định mức trợ cấp một lần đối với các đối tượng bổ sung lần này cho hợp lý và quy định một cơ quan đầu mối có thẩm quyền tham mưu, ban hành hoặc trình ban hành các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng…