(VOV)_Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cho biết: Trong quí I/2007, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới đạt 2,5 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt dự án tăng vốn là 109 với tổng vốn tăng thêm 432 triệu USD. Chỉ tính riêng trong tháng 3, cả nước có 71 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 455 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp... Trong đó, có một số dự án qui mô tương đối lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư, như dự án xây dựng Khu nghỉ cao cấp tại Khu kinh tế Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên-Huế) có vốn đầu tư 276 triệu USD, dự án xây dựng cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có vốn đăng ký 165 triệu USD.
Theo ông Thắng, dự kiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngòai vào Việt Nam trong năm 2007 có thể đạt 12 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2006.
Các dự án lớn có thể kể ra như: Nhà máy nhiệt điện (ở Văn Phong- Khánh Hòa) với số vốn khoảng 4 tỷ USD; dự án đóng tàu biển cỡ lớn (Khánh Hòa) khoảng 500 triệu USD, Nhà máy nhựa thể thao (Vĩnh Phúc) trị giá 570 triệu USD...
Trong số các nhà đầu tư đến Việt Nam thì đầu tư mạnh nhất vẫn là Hàn Quốc và Singapore. Một số chuyên gia kinh tế dự báo trong năm 2007, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ lên tới 20 tỷ USD tức là gấp hai lần so với năm 2006.
Ông Vũ Văn Ninh- Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam lần 2 cho biết, từ nay đến năm 2010 Việt Nam cần khoảng 140 tỷ USD đầu tư để cho phát triển kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay cùng với quá trình cải cách tiến bộ và hệ thống pháp lý không ngừng được hoàn thiện, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện rõ nét khiến các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng và có những chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Tính đến nay, Việt Nam có 183 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 968 triệu USD. Các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp với gần 41% số dự án và 74,5% vốn đầu tư, tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ.
Đầu năm nay Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam./