Cảnh báo về việc thành lập nhiều ngân hàng mới

29/03/2007

ND- Cùng với sự bùng nổ chứng khoán, một loạt tên các ngân hàng xuất hiện trên thị trường. Nhiều người lo ngại gần đây có tình trạng ngân hàng tăng vốn ồ ạt nhằm trục lợi phục vụ lợi ích của nhóm nhỏ cổ đông trong ngân hàng, mà không quan tâm tới lợi ích công chúng.

Nghe phong thanh ngân hàng A, ngân hàng B chuẩn bị tăng vốn điều lệ, ngay lập tức trên bảng giá thị trường OTC, giá cổ phiếu của các ngân hàng này tăng lên vài chục %.

Không hiểu vì thấy giá cổ phiếu lên, hay vì trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng đồng thời với sự nóng lên của thị trường chứng khoán, các ngân hàng nhỏ và mới thành lập tiếp tục tăng vốn điều lệ. Phải chăng hoạt động của những ngân hàng thật sự hiệu quả?

Cùng với sự bùng nổ chứng khoán, một loạt tên các ngân hàng xuất hiện trên thị trường. Một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nông thôn trước đây được các tập đoàn kinh tế đổ vốn và nâng cấp thành ngân hàng đô thị, mở rộng quy mô, mạng lưới hoạt động.

Ngân hàng TMCP nông thôn Ðồng Tháp Mười công bố chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng đô thị và đổi tên thành Ngân hàng xăng dầu Petrolimex (PG Bank). Ngân hàng TMCP nông thôn Nhơn Ái giờ là Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Nhiều tập đoàn cũng hợp tác góp vốn thành lập ngân hàng mới như EVN và Petro Việt Nam, hiện đã có cổ phần lớn trong Ngân hàng cổ phần An Bình (ABBank) và Toàn Cầu (G-Bank)... Nhiều ngân hàng đổi tên như Ngân hàng TMCP nông thôn Ninh Bình đổi thành Toàn Cầu (G-Bank); Ngân hàng TMCP nông thôn Sông Kiên đổi thành Nam Việt (Navibank)... Hiện vẫn còn hơn 10 bộ hồ sơ xin phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần gửi tới Ngân hàng Nhà nước, chưa kể hàng loạt tập đoàn lớn đã và đang có kế hoạch thành lập ngân hàng.

Sự nâng cấp và thành lập mới nhiều ngân hàng có thể lý giải hai xu thế: Một là, hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, do đó, khi kinh tế tăng trưởng, sự phát triển hệ thống ngân hàng là tất yếu. Hơn nữa, lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian vừa qua là một sức hút đối với các tập đoàn có tiềm lực. Việc phải cho ra đời ngân hàng phục vụ chính mình sẽ góp phần gia tăng giá trị và lợi nhuận cho các tổ chức kinh tế.

Hai là, với lộ trình "quản lý" vĩ mô, quy mô của các ngân hàng khi thành lập sắp tới đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn, do đó, việc "nhảy vào" lĩnh vực này đối với các cổ đông sáng lập sớm lúc nào hay lúc đó.  

Trên góc độ tích cực có thể thấy sự gia tăng số lượng của các ngân hàng là như vậy. Nhưng, cần có một cái nhìn thực tế hơn từ câu chuyện của những người mua bán cổ phiếu của những ngân hàng mới thành lập, hay mới nâng cấp. Một ngân hàng mới thành lập, chưa hoàn thiện mạng lưới giao dịch, chưa có báo cáo tài chính, lợi nhuận, nhưng trên thực tế cổ phiếu đã được giao dịch tăng từ sáu đến bảy lần mệnh giá. Mỗi đợt ngân hàng tăng vốn điều lệ thì giá cổ phiếu giao dịch tăng vài ba chục %. Chính vì vậy,  việc thành lập mới hay tăng vốn điều lệ tạo điều kiện cho các cổ đông sáng lập ngân hàng có điều kiện thu lợi.

Một cán bộ Ngân hàng Nhà nước bày tỏ lo ngại tình trạng ngân hàng tăng vốn ồ ạt nhằm trục lợi phục vụ lợi ích của nhóm nhỏ cổ đông trong ngân hàng, mà không quan tâm tới lợi ích công chúng. Một số ngân hàng mạng lưới hoạt động còn ít, dịch vụ chưa có gì, nhưng thay vì phải tập trung mở rộng mạng lưới, phát triển dịch vụ, huy động vốn để phục vụ nền kinh tế, thì họ lại tập trung phát hành cổ phiếu.

Với sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng hiện nay, việc huy động thêm vốn là điều có thể thực hiện. Nhưng, phải bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, để không ảnh hưởng khả năng phục vụ khách hàng. Hiện nghiệp vụ chủ yếu của các ngân hàng thương mại vẫn là huy động vốn và cho vay, vì thế các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt, bởi lượng tiền gửi trong dân không tăng nhiều, mà chi nhánh và văn phòng giao dịch lại tăng.

Nhằm kiểm soát sự tăng vốn điều lệ của các ngân hàng TMCP, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Ðức Thúy đã yêu cầu các giám đốc chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, phải xin ý kiến trước khi phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ vượt 500 tỷ đồng trong năm 2007 của các ngân hàng TMCP nông thôn và các ngân hàng TMCP đô thị mới chuyển đổi từ nông thôn lên.

Các ngân hàng cổ phần  khác khi tăng vốn điều lệ vượt mức 1.000 tỷ đồng cũng phải có ý kiến đồng ý của NHNN trước khi thực hiện.

Tuy nhiên, đây mới là biện pháp mang tính chất kỹ thuật trước mắt. Theo lộ trình hiện đại hóa hệ thống ngân hàng trước đây, các cơ quan quản lý cũng đã xem xét đến việc sát nhập dần các ngân hàng có quy mô nhỏ, để hệ thống ngân hàng có đủ khả năng cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài. Phải chăng, lợi ích cục bộ của một số cá nhân và sức nóng của thị trường chứng khoán đã làm chệch hướng đi này?

Hơn nữa, nếu như các ngân hàng chỉ chạy theo tăng vốn để bán cổ phần mà không quan tâm định hướng phát triển, hoạt động sản xuất, kinh doanh, chắc chắn đến một lúc nào đó, sẽ bị đào thải bởi chính sự cạnh tranh. Sự gia tăng số lượng các ngân hàng không đi cùng sự phát triển đồng bộ về mạng lưới, nhân sự, kinh nghiệm, mối quan hệ, khách hàng tiềm năng... là điều không bình thường cần có biện pháp kiểm soát và chấn chỉnh.

 

Thùy Vân

(http://www.nhandan.com.vn)