Phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2007 diễn ra sáng 5/4 tại Hà Nội, ông Tự cho biết môi trường kinh doanh của Việt Nam - một trong những yếu tố để đẩy nhanh hoạt động xuất khẩu - được cộng đồng quốc tế xếp vào nhóm những nước có bước cải tiến tích cực nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lương Văn Tự cho rằng, bên cạnh những thuận lợi này thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển nhanh hơn các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, nhất là vận dụng những quy định mà WTO không cấm để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư.
“Cải cách thủ tục Hải quan cũng là một cái nút quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như tăng trưởng xuất khẩu và quá cảnh hàng hóa ở Việt Nam đi các nước trong khu vực“ ông Tự nói thêm.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải áp dụng chiến lược “vừa hợp tác vừa cạnh tranh”. Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ để xây dựng chiến lược đối với từng thị trường và tiếp tục ký kết các Hiệp định thương mại song phương để tạo khung kinh doanh, hợp tác thuận lợi hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt, Bộ Thương mại cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời có chính sách đẩy mạnh phát triển quan hệ thương mại với các nước láng giềng; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài nâng cao kim ngạch sản xuất; khai thác hiệu quả lợi ích của các Hiệp định thương mại khu vực mà Việt Nam tham gia.
Mấy năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng khá nhanh, bình quân trên 20% năm. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 39,6 tỷ USD, tăng 22,1%. Quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10,5 tỷ USD tăng xấp xỉ 18% so với cùng kỳ năm trước.