Phiên họp thứ 48 của UBTVQH

20/04/2007

* Nâng dự án Pháp lệnh Công nghệ cao thành Luật * Thông qua dự án Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng có liên quan đến an ninh quốc gia * Tổng kết đi đến việc sửa đổi chính sách thì kỳ họp QH sẽ sôi nổi * Thống nhất lựa chọn Hội trường Bộ Quốc phòng làm địa điểm họp QH khóa XII

Sáng 18.4, tiếp tục ngày làm việc thứ 2, phiên họp thứ 48 của UBTVQH, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh Công nghệ cao, Thông qua Pháp lệnh về bảo vệ các công trình quan trọng quốc gia.

Việc xây dựng pháp lệnh Công nghệ cao xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển công nghệ cao của nước ta nhằm giải quyết các vướng mắc như: Chưa có danh mục lĩnh vực công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao cần ưu tiên; Sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp công nghệ cao ở trong và ngoài khu công nghệ cao, giữa khu công nghệ cao do nhà nước quản lý và các thành phần kinh tế khác đầu tư, quản lý; Chưa có chiến lược đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển công nghệ cao… Thường trực UB Khoa học Công nghệ và Môi trường, UB soạn thảo dự án Pháp lệnh Công nghệ cao, đề nghị nên ban hành văn bản pháp luật này dưới dạng Pháp lệnh vì đây là vấn đề mới, cần có thời gian rút kinh nghiệm rồi sau đó sẽ nâng lên thành Luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu những nội dung của dự án Pháp lệnh Công nghệ cao, đa số ý kiến đều thống nhất: Nên xây dựng dự án Pháp lệnh Công nghệ cao thành Luật vì những quy định trong Pháp lệnh không mang tính chất đột phá và cũng không giải quyết được những vướng mắc hiện tại trong vấn đề phát triển công nghệ cao của nước ta. Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Vấn đề phát triển Công nghệ cao liên quan chặt chẽ đến các chính sách về thuế, đất đai, tiếp cận các nguồn vốn, chính sách cho doanh nghiệp và nguồn lao động. Nếu ban hành dưới dạng pháp lệnh thì việc điều chỉnh những vấn đề mang tính đặc thù này sẽ không thể vượt quá được những vấn đề thuộc về nguyên tắc trong các Luật khác.

Sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia của UB Quốc phòng An ninh, UBTVQH đã thống nhất thông qua dự án Pháp lệnh này. Theo đó, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia phải bảo đảm các tiêu chí: Tập trung bí mật nhà nước hoặc là nơi bảo quản những hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng (hoặc đặc biệt nguy hiểm) đối với đời sống của nhân dân, môi trường sinh thái và đòi hỏi phải áp dụng công tác bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối an toàn trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng. Pháp lệnh quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân trong bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Lực lượng bảo vệ và kinh phí bảo đảm cho hoạt động bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia… Theo đề nghị của UBTVQH, Pháp lệnh này sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 10.2007 thay vì 1.1.2008 như trong dự thảo.

Trong phiên làm việc buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến vào Báo cáo đánh giá về kỳ họp thứ 11, QH khoá XI và sơ bộ nội dung chương trình kỳ họp thứ nhất, QH khoá XII; Nghe tờ trình của UBTVQH về việc giải quyết địa điểm làm việc cho các cơ quan của QH và các cơ quan phục vụ QH.

Báo cáo đánh giá kỳ họp thứ 11, QH khoá XI do Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh trình bày nêu rõ: Kỳ họp cuối cùng của QH khoá XI đã được tổ chức thành công, ghi dấu ấn quan trọng để tiến tới một nhiệm kỳ QH mới hứa hẹn chất lượng hơn, dân chủ hơn và sẽ có nhiều cải tiến để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra không khí kỳ họp có lúc, có nội dung còn trầm lắng, phần nào ảnh hưởng đến kết quả và ý nghĩa của kỳ họp, cần phải rút kinh nghiệm trong các kỳ họp sau.

Cơ bản đồng ý với các nội dung của Báo cáo, nhưng Chủ nhiệm UB Đối ngoại Vũ Mão cũng đề nghị: Cần phải nói cụ thể, sâu sắc hơn việc rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 11 là rút kinh nghiệm về cái gì và đưa ra 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự trầm lắng của kỳ họp là: Các ĐB bị phân tán bởi việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khoá XII; Báo cáo tổng kết công tác cả nhiệm kỳ của QH không có báo cáo thẩm tra, tức là không có phản biện, cuối nhiệm kỳ mà chờ đợi ĐBQH nghiên cứu đi sâu phân tích rồi đóng góp ý kiến thì hơi thiếu thực tế; Tâm lý kỳ họp cuối cùng nhẹ nhàng để còn lưu luyến nhau, ngay trong việc chuẩn bị cho kỳ họp của UBTVQH cũng muốn gọn gàng, rút ngắn thời gian. Chủ nhiệm Vũ Mão khẳng định: Hai trong số ba nguyên nhân này là những vấn đề hết sức cơ bản liên quan đến việc sửa đổi pháp luật về tổ chức và hoạt động QH. Vì vậy, nhiệm kỳ tới cần phải sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức QH thì mới có thể khắc phục được tình trạng phân tán, trầm lắng của các kỳ họp.

Nguyên chủ tịch QH Nguyễn Văn An đồng tình: Những việc chưa làm được tại nhiệm kỳ QH khoá XI rất cụ thể nhưng lại phản ánh sự nhận thức của cả hệ thống chính trị. Kỳ họp có sôi nổi hay không là do mình. QH là cơ quan lập pháp nếu tổng kết mà đi đến được việc sửa đổi các chính sách pháp luật thì chắc chắn kỳ họp sẽ sôi nổi.

Về dự kiến nội dung, chương trình của kỳ họp thứ nhất, QH khoá XII, đa số Ủy viên UBTVQH thống nhất kỳ họp nên tập trung vào việc xem xét công tác tổ chức, nhân sự của các cơ quan nhà nước. Theo nguyên chủ tịch Nguyễn Văn An, nếu có đổi mới phương thức tiến hành kỳ họp thì chỉ nên đổi mới một chút theo hướng thực sự dân chủ.

Tờ trình về việc giải quyết địa điểm làm việc cho các cơ quan QH và các cơ quan phục vụ QH nêu rõ: Hiện nay, diện tích làm việc của các cơ quan QH, các cơ quan phục vụ QH mới được giải quyết một phần nhưng còn hết sức chật chội, tạm bợ, gây bức xúc và ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả làm việc của các cơ quan QH và cơ quan phục vụ QH. Theo ý kiến của nhiều Ủy viên UBTVQH, Chính phủ nên bàn giao lại toàn bộ địa điểm 37 Hùng Vương và Trung tâm Hội nghị quốc gia 11 Lê Hồng Phong cho các cơ quan của QH và cơ quan phục vụ QH.

Trong quá trình chờ xây dựng Nhà QH mới, Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên cũng đề nghị nên cân nhắc địa điểm thuận lợi nhất cho hoạt động của cả nhiệm kỳ khoá XII, chấp nhận việc cải tạo địa điểm tốn kém còn hơn là phải đi thuê hàng năm. UBTVQH cũng đã cho ý kiến về 3 phương án mà VPQH trình: Cung Văn hoá hữu nghị Việt- Xô, Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình và Hội trường Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, theo khảo sát của UBTVQH và Bộ Xây dựng thì Hội trường Bộ Quốc phòng là địa điểm lý tưởng nhất, bảo đảm được các yêu cầu về không gian, diện tích, phương tiện kỹ thuật, điều kiện đi lại… Do đó, theo ý kiến của UBTVQH, kỳ họp thứ nhất QH khoá XII sẽ được tổ chức tại Hội trường Bộ Quốc phòng.

 

 

P.Thúy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)