PV: Thưa Chủ tịch! Chuyến thăm hữu nghị chính thức đầu tiên trên cương vị Chủ tịch QH được chọn là Trung Quốc, Chủ tịch đánh giá như thế nào về chuyến thăm này?
CHỦ TỊCH QH NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Chuyến thăm lần này góp phần vào việc tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị nhiều hơn, góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống và toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân 2 nước Việt – Trung. Qua các cuộc hội đàm, hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào cũng như Chính hiệp Giả Khánh Lâm... đều nói lên quan điểm này. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của chúng ta. Hai bên đã đạt được nhận thức chung. Sắp tới, hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa phát triển mối quan hệ truyền thống và hợp tác toàn diện. Đây là yêu cầu khách quan, đồng thời là nguyện vọng của nhân dân, cũng là trách nhiệm của lãnh đạo hai nước. Hai nước có mối quan hệ truyền thống lâu đời, núi liền núi, sông liền sông, không gì bằng yên ổn với nhau để làm ăn, phát triển. Trách nhiệm của hai bên là không ngừng giữ gìn phát triển mối quan hệ truyền thống quý báu đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dày công gây dựng nên mối quan hệ hữu nghị, và ngày nay lãnh đạo hai nước tập trung thực hiện tốt theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt. Về mặt chính trị, cần tiếp tục tăng cường, phát triển mối quan hệ vốn có lên tầm cao mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện.
PV: Quan hệ chính trị giữa hai nước đã ngày càng được xây dựng và vun đắp. Điều này càng khẳng định hơn qua các chuyến thăm hữu nghị lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước thời gian qua. Và hợp tác kinh tế cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Vậy chuyến thăm của Chủ tịch có ý nghĩa như thế nào đối với lĩnh vực kinh tế, thưa Chủ tịch?
CHỦ TỊCH QH NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Chuyến đi thăm góp phần vào thúc đẩy tăng cường mối quan hệ về mặt kinh tế. Trước hết, quan hệ thương mại buôn bán, từ dự kiến vào năm 2010 đạt giá trị 10 tỷ USD nhưng đã đạt yêu cầu đó rồi, nên lãnh đạo hai nước đặt mục tiêu phấn đấu 15 tỷ USD vào năm 2010 và hai bên đều thấy có khả năng thực hiện được. Một điểm mới gần đây nữa là các doanh nghiệp Trung Quốc đang tiếp tục đầu tư và chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam như Tập đoàn sản xuất phát triển điện lực của Cáp Nhĩ Tân, Tập đoàn sản xuất ôtô xe máy Lifan và nhiều doanh nghiệp khác nữa. Bí thư tỉnh ủy, Chủ nhiệm UB Nhân đại của Quảng Tây nói sắp tới sẽ sang Việt Nam cùng với khoảng 200 doanh nghịêp đi sang ký kết, hợp tác đầu tư. Hai hàng lang, một vành đai kinh tế- là điều Chính phủ hai bên đã thỏa thuận và đã thành lập nhóm công tác, sắp tới thúc đẩy dự án này triển khai nhanh hơn. Trước mắt cần tập trung làm đường cao tốc từ Hữu Nghị Quan về Hà Nội và đường sắt cao tốc, đồng thời mở mang thêm cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho bước phát triển hai hành lang, một vành đai. Điều đó cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng khá hơn, đi vào chiều sâu và toàn diện, thiết thực hơn. Tất nhiên không phải chuyến thăm lần này mới có những kết quả đó mà chuyến thăm góp phần thúc đẩy mối quan hệ kinh tế toàn diện hơn.
PV: Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, Chủ tịch đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch nhân đại toàn quốc Trung Quốc Ngô Bang Quốc. Vậy xin Chủ tịch đánh giá mối quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc và triển vọng trong quan hệ này?
CHỦ TỊCH QH NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Qua chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Chủ tịch QH và Đoàn ĐB cấp cao của Quốc hội Việt Nam đã góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai QH. Hai QH Việt Nam và Trung Quốc thống nhất với nhau một số việc sắp tới để tiếp tục củng cố, tăng cường phát triển mối quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp của hai nước. Trung Quốc nói là học tập kinh nghiệm của Việt Nam và Việt Nam cũng học tập kinh nghiệm của các bạn Trung Quốc. Sắp tới còn nhiều việc phải làm, ví dụ tăng cường nghiên cứu thực tiễn, tổng kết lý luận về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, đoàn các cơ quan của QH, các địa phương trao đổi kinh nghiệm, phối hợp với nhau trên các diễn đàn đa phương, tiếp tục trao đổi với nhau những kinh nghiệm cụ thể về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
PV: Thưa Chủ tịch! Trong cuộc hội kiến, Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào có đề cập đến phương châm phát triển của Trung Quốc là phát triển xã hội hài hòa. Chủ tịch cảm nhận như thế nào về chủ trương đó của Trung Quốc và mối quan hệ với chủ trương phát triển kinh tế của Việt Nam?
CHỦ TỊCH QH NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Trung Quốc đã có những bước đi rất cụ thể, mạch lạc, nghiên cứu lý luận cơ bản, tổng kết thực tiễn sâu sắc. Trung Quốc đưa ra chủ trương phát triển khoa học, xây dựng xã hội hài hòa, lấy con người làm trung tâm với nội dung khá rộng. Bước đi đó rất đúng và tương đối phù hợp với Việt Nam. Thực ra, quan điểm tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội đã được Việt Nam đưa ra từ rất sớm. Trung Quốc nói phát triển kinh tế thị trường XHCN thì Việt Nam là phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN vì chúng ta vẫn còn có thời kỳ quá độ. Trung Quốc khẳng định Đảng cộng sản là cầm quyền, Việt Nam cũng vậy. Trung Quốc chủ trương xây dựng Nhà nước pháp trị, Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền... Đây là dịp tôi nhìn lại để thấy Trung Quốc phát triển lý luận rất có hệ thống và rất sáng tạo. Đương nhiên, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, có những điều đúng ngay, nhưng có những điều chưa trúng và từ đó chúng ta có thể rút kinh nghiệm. Sắp tới, chúng ta tổng kết 20 năm theo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH và sẽ có nhiều điều chúng ta có thể vận dụng, tham khảo.
PV: Thưa Chủ tịch, chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc đã đạt được các mục tiêu đề ra. Nhưng trước mắt, như Chủ tịch nói là vẫn còn nhiều việc phải làm. Qua cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, xin Chủ tịch cho biết hai bên đã thống nhất với nhau về phương hướng sắp tới thúc đẩy quan hệ hai nước như thế nào?
CHỦ TỊCH QH NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Phương hướng chung trên cơ sở tuyên bố chung năm 2006 giữa hai lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Trung Quốc. Trong cuộc hội kiến vừa qua, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khẳng định lại và nêu thêm 4 phương hướng cụ thể. Đó là tiếp tục phát triển mối quan hệ chính trị, tin cậy lẫn nhau trên phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt. Thứ hai là phải làm tốt, giải quyết nhưũng việc tồn tại, đang làm, ví dụ việc thực hiện theo hiệp định phân giới cắm mốc ở trên bộ theo hiệp định biên giới ký kết năm 2000, quyết tâm đến năm 2008 thực hiện xong phân giới, cắm mốc trên bộ; Thực hiện tốt phân định Vịnh Bắc Bộ, phân định ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, giữ ổn định và đồng thời triển khai tốt những việc đang làm; Những vấn đề lịch sử để lại, những gì còn vướng mắc thì tiếp tục giải quyết. Tinh thần này tôi cho rất là đúng và góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị trên tinh thần tin cậy lẫn nhau. Giữa lãnh đạo cấp cao thiết lập đường dây nóng để trao đổi, giải quyết những vấn đề thiết thực, cụ thể. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa QH Việt Nam với Nhân đại của Trung Quốc, giữa HĐND các tỉnh với Nhân đại các tỉnh của Trung Quốc.
PV: Tin tưởng với những phương hướng cụ thể và những giải pháp thích hợp để thực hiện cam kết chung giữa lãnh đạo hai nhà nước, quan hệ giữa Việt Nam- Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu. Quan hệ hai nước chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn và nhất định sẽ tốt đẹp hơn như Chủ tịch đã từng khẳng định trong cuộc hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Xin chân thành cảm ơn Chủ tịch đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.