HOÀN THIỆN KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ CHO KINH TẾ SỐ

14/07/2021

Chiều 14/7, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Báo cáo định hướng chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ Khóa XV.

Tại tọa đàm, các chuyên gia ghi nhận và đánh giá cao dự thảo Báo cáo định hướng chương trình xây dựng luật nhiệm kỳ Khóa XV dự kiến sẽ trình Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến trong cuối năm nay. Các chuyên gia tán thành với định hướng lập pháp Khóa XV theo hướng bảo đảm tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; tạo hành lang pháp lý đầy đủ đáp ứng yêu cầu hoàn thiện bộ máy nhà nước, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nhiều ý kiến đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về các loại thị trường, nhất là thị trường hàng hóa, dịch vụ, bất động sản, vốn, khoa học – công nghệ..., bảo đảm các thị trường ngày càng hoàn thiện và vận hành thông suốt, cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về sở hữu; các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; về hợp đồng, giải quyết tranh chấp và phá sản; cơ chế điều phối, quản trị các vùng kinh tế... Một số ý kiến lưu ý, kinh tế số có quy luật hoạt động rất khác với kinh tế truyền thống, nên thời gian tới cần quan tâm hoàn thiện khung pháp luật cho quản lý dữ liệu, kinh tế chia sẻ và các loại hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý góp ý dự thảo Báo cáo    

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp trong thời gian tới, các đại biểu nhấn mạnh, tư duy của cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong hoạt động lập pháp vẫn chưa được xóa bỏ triệt để. Do vậy, trong thời gian tới, cần đổi mạnh mẽ hơn nữa tư duy lập pháp theo hướng chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, pháp luật không chỉ thiết lập cơ chế quản lý mà quan trọng hơn là kiến tạo, định hướng và thúc đẩy phát triển.

Ở góc nhìn khác, một số ý kiến đề nghị, cần kiên quyết không áp dụng tư duy xây dựng pháp luật cho khu vực công vào xây dựng pháp luật cho khu vực tư. Thay vì quy định chi tiết như pháp luật cho khu vực công, pháp luật cho khu vực tư chỉ nên quy định khung, kinh nghiệm cho thấy, khung càng rộng thì càng thúc đẩy sự sáng tạo, dân chủ và tạo động lực phát triển cho khu vực này.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)