PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG KIỂM TOÁN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI CHÍNH CÔNG, TÀI SẢN CÔNG

29/01/2021

Sáng 28/01, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp hoạt động giám sát của Quốc hội đối với quản lý, sử dụng tài sản và ngân sách nhà nước”.

 

Cho ý kiến tại hội thảo, TS. Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra những phân tích tương đối toàn diện về vai trò phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Toàn cảnh Hội thảo Thực trạng và giải pháp hoạt động giám sát của Quốc hội đối với quản lý, sử dụng tài sản và ngân sách nhà nước

TS. Đặng Văn Hải cho biết, theo thông lệ quốc tế, ở hầu hết các nước trên thế giới, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất của Nhà nước hay còn gọi là cơ quan Kiểm toán tối cao. Mục đích hoạt động của Kiểm toán Nhà nước phục vụ việc quản lý vĩ mô của Nhà nước, đảm bảo duy trì kỷ cương, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, chính sách, chế độ, đồng thời sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn, tài sản và kinh phí của Nhà nước. Ở Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 70/CP ngày 11/07/1994 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan Kiểm toán nhà nước, Quyết định số 61/TTg ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

TS. Đặng Văn Hải nhấn mạnh, sau gần 20 năm hoạt động, từ một cơ quan mà trước đó chưa có tiền thân về tổ chức và tiền lệ về hoạt động, Kiểm toán Nhà nước đã trở thành một thiết chế hiến định độc lập. Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước được quy định tại Điều 118 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

TS. Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Kiểm toán Nhà nước phát biểu tại Hội thảo

Theo TS. Đặng Văn Hải, với địa vị pháp lý là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thể hiện qua các nội dung chủ yếu như: Kiểm toán Nhà nước là công cụ phục vụ cho minh bạch về tài chính ngân sách thông qua công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức, các cấp ngân sách; Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng để phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí,, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, ...Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước chưa đầy đủ và đồng bộ; việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát nhìn chung còn hạn chế; cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lặp, chồng chéo đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. 

Trên cơ sở phân tích vai trò cũng như nhận diện những tồn tại, thách thức trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước hiện nay, TS. Đặng Văn Hải đã đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng:

Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, chú trọng mở rộng đối tượng kiểm toán theo Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 và kiểm toán thường niên, đẩy mạnh hình thức tiền kiểm để ngăn chặn kịp thời các hành vi lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; tham gia vào xây dựng dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách trung ương và thẩm định các dự án đầu tư trọng điểm, các công trình quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phương pháp lập kế hoạch kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, nắm chắc và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về các đầu mối kiểm toán; xác định đúng trọng tâm, trọng điểm khi triển khai kiểm toán,... Ngoài ra, cũng cần nâng cao và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, xây dựng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán theo lĩnh vực, các phần mềm phục vụ quản lý, kiểm soát hoạt động kiểm toán; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán, phối hợp chặt chẽ trên cơ sở phân cấp rõ ràng nhiệm vụ kiểm soát; gia tăng giá trị của báo cao kiểm toán.

Hai là, tăng cường công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Việc tổ chức công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải được thực hiện theo quy định tại Điều 50, Điều 51 của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, nhằm phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ba là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý. Để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu tội phạm (trong đó có tội phạm tham nhũng) do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị khởi tố, cần sớm xây dựng Thông tư liên tịch giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan nêu trên nhằm quy định rõ: Phạm vi mối quan hệ phối hợp; Nội dung mối quan hệ phối hợp trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị khởi tố; Hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Kiểm toán Nhà nước và kiến nghị khởi tố;...

Bốn là, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ công chức, kiểm toán viên bảo đảm yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên nhà nước có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn, chuyên nghiệp, tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Đây là điều kiện cơ bản, bao trùm, xuyên suốt trong quá trình phát triển của Kiểm toán Nhà nước. Trong điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan Kiểm toán Nhà nước cần được quan tâm những vấn đề cơ bản như: lãnh đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về Kiểm toán Nhà nước bảo đảm đầy đủ và đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của cơ quan Kiểm toán Nhà nước; quan tâm hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường biên chế và cơ sở vật chất cho Kiểm toán Nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; ...

                                                                                                      

Lê Anh