NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TRONG XÂY DỰNG LUẬT

12/11/2020

Đánh giá tác động của chính sách được hiểu là phân tích những ảnh hưởng của chính sách đối với đời sống KT-XH, cụ thể hơn là đối với các đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Chia sẻ tại Hội thảo "Bàn về quy trình chính sách và vai trò, năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội ở Việt Nam", ThS. Lê Tuấn Phong, Văn phòng Bộ Tư pháp, đã đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng luật thời gian tới.

 ThS. Lê Tuấn Phong, Văn phòng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo

Theo ThS. Lê Tuấn Phong, Văn phòng Bộ Tư pháp, đánh giá tác động của chính sách nói chung thường được thực hiện ở cả hai giai đoạn: Trước khi chính sách được ban hành (đáh giá sự cần thiết, dự báo những ảnh hưởng tích cực/tiêu cực nếu chính sách được thực thi...); và sau khi chính sách đã được ban hành và đi vào cuộc sống (đánh giá kết quả, hiệu quả của chính sách trong thực tiễn thi hành).

Khi đề cập đến đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng luật là chủ yếu đề cập đến dự báo tác động của chính sách nếu được luật hóa thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các đối tượng chịu sự tác động, cũng như tác động ra sao đến chủ thể (cơ quan nhà nước) chịu trách nhiệm tổ chức thi hành. Pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (tại Điều) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật năm 2015 (tại Điều 6,7 và 8). đã có những quy định liên quan đánh giá tác động của chính sách: về các nội dung (lĩnh vực) cần đánh giá; về chủ thể đánh giá; về phương pháp đánh giá; về tiêu chí đánh giá; ...

Đối với kinh phí bảo đảm cho công tác đánh giá tác động của chính sách: Điểm c, Khoản 3, Điều 4, Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định: "Báo cáo đánh giá tác động của chính sách hoặc báo cáo đánh giá tác động của văn bản: Đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, nghị quyết liên tịch của Ủy ban thường vụ Quốc hội: mức chi 8.000.000 đồng/báo cáo". Mức chi này hiện được đánh giá là quá thấp so với yêu cầu, đòi hỏi của công tác đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng pháp luật nói chung, nhất là trong xây dựng luật.

ThS. Lê Tuấn Phong, Văn phòng Bộ Tư pháp cho rằng, mặc dù đã có một số quy định bước đầu về đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng luật nói chung và quy định khá cụ thể về đánh giá tác động của thủ tục hành chính, nhưng theo đánh giá chung thì kết quả triển khai trong thực tế lại chưa được như mong muốn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng luật thời gian tới, ThS. Lê Tuấn Phong đề xuất nhiều giải pháp như: Hoàn thiện quy định pháp luật đối với hoạt động đánh giá tác động của chính sách trong Nghị định sửa đổi, bổ sung/thay thế Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, trong đó chú trọng các quy định về: quy trình thực hiện đánh giá; các nội dung đánh giá; giao các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các tiêu chí đánh giá tác động của chính sách đối với từng nội dung đánh giá cụ thể.

Bên cạnh đó, ThS. Lê Tuấn Phong cũng kiến nghị, cần chú trọng đánh giá tác động của chính sách theo phương pháp định lượng; các cơ quan cần sự phối hợp chia sẻ, sử dụng các thông tin, số liệu khoa học, có căn cứ cho việc đánh giá, từ đó đề xuất và chọn lựa được giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề của xã hội. Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm quy định trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo văn bản, nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất chính sách phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách mới để tránh tình trạng "cài cắm" chính sách nhưng không được đánh giá tác động./.

Lê Anh