BẠC LIÊU: KHÓ KHĂN TRONG THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

16/03/2022

"Cần quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và trách nhiệm của các tổ chức trong công tác hòa giải ở cơ sở nhằm khắc phục những khó khăn trong phòng, chống bạo lực gia đình..." là nội dung góp ý của đại biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phối hợp tổ chức vào chiều ngày 15/3.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2008 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 4.200 vụ bạo lực gia đình. Các vụ bạo lực gia đình bao gồm: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế,... và đối tượng bị bạo lực thường là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, việc xử lý đối với hành vi bạo lực gia đình trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.         

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Yến Hòa - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu thừa nhận, đối với phụ nữ và trẻ em phải chứng kiến và chịu áp lực đối với các hành vi bao lực gia đình rất dễ bị rơi vào trạng thái trầm cảm ... Còn theo bà Trần Ngọc Như - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết "bạo lực gia đình đôi khi không phải từ lý do đánh đập hay hành động nào đó và khi ra tòa thì người vợ cho biết ở nhà chông hây cục cằn và chồng nhìn thôi thì người vợ không dám nói gì nữa..."

Đại biểu phát biểu ý kiến

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng việc thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, dự thảo Luật cần quy định cụ thể quyền trẻ em và xác định mức độ các hành vi bạo lực gia đình. Đặc biệt là cần quy định cụ thể hơn về vai trò, trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân công tác hòa giải ở cơ sở.

Trung tá Đào Quốc Nam, Trưởng Công an xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Khi xảy ra bạo lực gia đình thì nó đã vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng của gia đình cho nên cần quy định cụ thể đối với các tổ chức hòa giải, tổ hòa giải ở cơ sở".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu làm cơ sở để Ủy ban Xã hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và báo cáo Quốc hội trong thời gian tới./.               

Chí Điển- Công Tràng