SỬA ĐỔI LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG: CẦN MỞ RỘNG PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH

06/09/2021

Cần mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh, đảm bảo bao quát thực chất thi đua khen, khen thưởng trong khu vực công, mở rộng thi đua khen thưởng trong khu vực tư là nội dung được nhiều đại biểu đề xuất trong khuôn khổ Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về thi đua, khen thưởng” do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Xã hội tổ chức vào sáng 06/9 tại Nhà Quốc hội.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, các đại biểu tham dự hội thảo là đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan thuộc UBTVQH cùng các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể đối với những vấn đề còn vướng mắc trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Đại học Nội vụ Hà Nội, Luật hiện hành chủ yếu điều chỉnh hoạt động thi đua khen thưởng trong khu vực công. Tuy nhiên, bất cập là trong bản thân khu vực công, luật lại chủ yếu điều chỉnh khối hành chính nhà nước và khối Đảng, “bỏ quên” khối cơ quan dân cử, khối đoàn thể chính trị - xã hội. Trong khi, các đối tượng này đều bình đẳng – đều là các trụ cột trong hệ thống chính trị, đều được điều chỉnh bởi pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cho rằng, đây là một thực tế, thể hiện sự không công bằng trong thi đua khen thưởng, là biểu hiện của tư duy quản lý cũ – coi thi đua khen thưởng là phương thức, công cụ quản lý hành chính nhà nước. Hiện nay, trong điều kiện quản lý công, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cần có quan điểm quản lý rộng mở sang các phần khác của khu vực công.

Một hạn chế khác của Luật hiện hành được PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu chỉ rõ là việc “bỏ quên” thi đua khen thưởng đối với khu vực tư, nhất là đối với doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể sản xuất, nông dân. Đây rõ rằng là lực lượng tuyến đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là chủ thể của các đổi mới, sáng tạo – yếu tố được Đại hội Đảng XIII coi là then chốt để đưa Việt Nam cất cánh trong giai đoạn 2021 -2035, tới năm 2045.

Hiện nay, ở mức độ nhất định đã có văn bản pháp quy điều chỉnh về vấn đề thi đua khen thưởng đối với doanh nghiệp, doanh nhan, người lao động trực tiếp ở cơ sở. Tuy nhiên, cần luật hóa các quy định này để đảm bảo sự tương xứng với vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực đổi mới, sáng tạo, hội nhập quốc tế hiện nay.

Góp ý vào nội dung này, Ths. Đậu Công Hiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có vai trò của kinh tế tư nhân đã và đang đặt ra những thách thức cho việc xác định thành quả thi đua. Với bối cảnh kinh tế tăng trưởng và năng động, rất khó để tìm ra chính xác tấm gương thi đua, đặc biệt là các hình thức và danh hiệu liên quan như “Huân chương lao động”, “Anh hùng lao động”, “Giải thưởng nhà nước” cho các công nghệ đem lại hiệu quả kinh tế ... Điều này có thể dẫn tới việc bỏ lọt những người lập được nhiều thành tích lớn, đặc biệt là những người không làm việc trong khối nhà nước. Đây cũng là điều tương tự với các danh hiệu như “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nhà giáo nhân dân”, “Thầy thuốc nhân dân”,... khi người làm trong khu vực ngoài nhà nước thường không quá tập trung vào các danh hiệu, thi đua. Ngoài ra, kinh tế tư nhân phát triển và thu hút một lượng lớn nguồn nhân lực chủ yếu tập trung vào gia tăng năng suất, lợi nhuận. Các phong trào thi đua gặp khó khăn để tiếp cận và phổ biến tới khu vực này, khiến bỏ sót một nguồn lực rất lớn của xã hội.

Tán thành với quan điểm nêu trên, PGS.TS Chu Cần Thơ cho rằng, việc tiếp cận phạm vi đối tượng trong công tác thi đua, khen thưởng không chỉ bó hẹp trong khối công vì phạm vi ảnh hưởng của luật là tầm quốc gia. Theo các nghiên cứu trong 5 năm gần đây cũng chỉ rõ, dù trong phạm vi là khối hành chính công hay là một thể chế thi đua khen thưởng thì nhận thức và hành động về thể chế mang tính lập pháp của quốc gia về thi đua khen thưởng là rất quan trọng. Vì vậy, cần xác định rõ thi đua khen thưởng không chỉ dành cho khối các cơ quan đơn vị nhà nước; cần nhìn nhận các danh hiệu, tiêu chí thi đua khen thưởng là mẫu mực cho các khối khác trong đó kể cả thi đua về mặt nội bộ do doanh nghiệp để xuất ra. Ngoài ra, các hình thức thi đua khen thưởng của Việt Nam đang bị phổ biến hóa, bình dân hóa nghĩa là không có những tầng bậc, tiêu chí cho sự tôn vinh các danh hiệu quốc gia trở thành điển hình.

Bà Dương Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại hội thảo, bà Dương Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cần bổ sung mở rộng đối tượng khen thưởng có quá trình cống hiến cho cán bộ cơ sở, thôn, bản. Theo bà Dương Thị Thủy đối tượng được khen thưởng Huân chương các loại về quá trình cống hiến như quy định hiện hành (khoản 4, Điều 4) thì mới chỉ từ cấp lãnh đạo quản lý và tương đương trở lên, trong khi đó, có nhiều trường hợp, nhất là cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có vài chục năm công tác ở cơ sở, vừa không lương hoặc lương chỉ là tượng trưng lại không được động viên thích đáng bằng tinh thần điều này là không công bằng.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức thiết thực và có hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chủ động phối hợp tổ chức các phong trào thi đua thu hút, tập hợp đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động phát hiện kịp thời khen thưởng và đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho các trường hợp có thành tích…. Tuy nhiên,bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có một số hạn chế, bất cập như: Đối tượng điều chỉnh khá rộng, song chưa bao quát được đầy đủ các ngành, các cấp, các thành phần kinh tế... ; Thủ tục hành chính về khen thưởng còn phức tạp; Một số phong trào thi đua còn hình thức; Việc khen thưởng còn tràn lan, chưa kịp thời, một số trường hợp chưa chính xác, một số nơi còn hiện tượng cào bằng; Chưa thực sự quan tâm khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất; Việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương; Việc quản lý Nhà nước về tôn vinh trao giải thưởng về doanh nhân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế;…

Đại biểu tham luận theo hình thức trực tuyến 

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung cũng làm rõ một số vấn đề về mặt lý luận cũng như thực tiễn: về vai trò của thi đua, khen thưởng; những yếu tố ảnh hưởng đến thi đua, khen thưởng; mối quan hệ giữa thi đua, khen thưởng; và yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung đối với Luật Thi đua, khen thưởng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; …

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ được xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này đã hoàn thiện hơn các quy định về thi đua và các danh hiệu thi đua theo hướng về cơ sở, phù hợp với thực tiễn tổ chức phong trào thi đua ở các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước; sửa đổi các quy định về khen thưởng nhằm khen thưởng nhiều hơn đối với người lao động trực tiếp thông qua việc quy định các tiêu chuẩn riêng, cụ thể một số hình thức khen thưởng đối với công nhân, nông dân, đồng thời sửa đổi một số tiêu chuẩn để phù hợp với thực tiễn lao động sản xuất của công nhân, nông dân; quy định khen thưởng đối với tập thể, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để phù hợp vói quá trình phát triển, hội nhập quốc tế; hoàn thiện các quy định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; quy định cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và hệ thống thi đua, khen thưởng …./.

Lê Anh