ỦY BAN TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 17

27/09/2023

Chiều 27/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 17 để thẩm tra phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của NSTW năm 2022 và nguồn tăng thu NSTW năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.

Cùng dự phiên họp toàn thể của Ủy ban Tài chính, Ngân sách còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.

Phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của NSTW năm 2022 và nguồn tăng thu NSTW năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết nguyên tắc phân bổ, sử dụng là dành tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương; Tuân thủ quy định Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) về việc sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi NSNN hằng năm.

Đồng thời, việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn NSNN cho đầu tư công thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14; căn cứ yêu cầu cấp bách của thực tiễn, trên cơ sở bảo đảm cân đối các vùng, miền, lĩnh vực quan trọng, tập trung bố trí vốn cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, các dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, hạ tầng kết nối vùng, nhất là khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã được xác định tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị; vốn Nhà nước tham gia thực hiện các tuyến đường hợp tác theo phương thức đối tác công tư mang tính động lực kết nối vùng, bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, không dàn trải. Bố trí nguồn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng trình bày Tờ trình của Chính phủ

Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 20 và khoản 2 Điều 59 Luật NSNN; thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chí thường xuyên NSTW năm 2022 và nguồn tăng thu NSTW năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, cụ thể: Bổ sung dự toán số tăng thu NSNN năm 2022. Phê duyệt phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của NSTW năm 2022, trong đó: dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; giảm bội chi; tăng chi trả nợ gốc của NSTW; bố trí nguồn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thưởng vượt dự toán thu và đầu tư trở lại cho các địa phương; bố trí thực hiện các dự án đầu tư.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư để bố trí vốn cho 05 dự án thuộc lĩnh vực y tế. Cơ chế chính sách đặc thù đối với dự án sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2022 và nguồn tăng thu NSTW năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai chủ trì phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí cho rằng việc Chính phủ xây dựng phương án sử dụng đối với số tăng thu, tiết kiệm chi của NSTW năm 2022 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14, Chính phủ cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ, sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi NSTW trước ngày 10/4. Như vậy đến nay Chính phủ trình chậm 5 tháng. Điều này chưa đảm đảm tính tuân thủ chấp hành kỉ luật tài chính, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách. Các đại biểu đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm, báo cáo làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.

Đối với nguồn tăng thu NSTW năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ nhà cho người lao động còn dư, các ý kiến thảo luận cho rằng việc Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Quốc hội cho phép phân bổ nguồn kinh phí này là phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện trong hai năm 2022 và năm 2023. Theo đó, Chính phủ đang tiến hành triển khai và sẽ có báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 vào kỳ họp cuối năm, đồng thời sẽ kiến nghị các chính sách, cơ chế để điều chỉnh hoặc cho phép kéo dài thời gian thực hiện các chính sách. Việc xem xét, điều chỉnh nguồn lực của Chương trình này cho các nhiệm vụ khác sẽ dựa trên cơ sở đánh giá, tổng kết và đặt trong tổng thể của Chương trình. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung này trong báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm tính thống nhất, tổng thể của Chương trình.

Các thành viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tham dự phiên họp

Các đại biểu cũng chỉ rõ, khoản 2 Điều 59 của Luật NSNN quy định về sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi theo thứ tự ưu tiên là: Giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm trả nợ gốc và lãi; Bổ sung quỹ dự trữ tài chính; Bổ sung nguồn thực hiện chính sách tiền lương; Thực hiện một số chính sách an sinh xã hội; Tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng; Hỗ trợ ngân sách cấp dưới theo khả năng và thưởng vượt dự toán các khoản thu phân chia.

Đối chiếu với phương án phân bổ cụ thể Chính phủ trình cho thấy chưa bố trí nguồn lực bổ sung quỹ dự trữ tài chính; chưa bố trí thực hiện chính sách an sinh xã hội; chưa thực sự ưu tiên nguồn lực để giảm bội chi NSNN; dành nguồn lực khá lớn để phân bổ cho các dự án mới, chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; chưa có chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, chưa có thuyết minh về tính cấp bách cần phải bố trí ngay vốn từ nguồn tăng thu trong năm 2023; chưa làm rõ trách nhiệm, khả năng, nguồn cân đối cho số vốn còn thiếu; đối với các dự án có trong danh mục đầu tư công, chưa có báo cáo thuyết minh về tình hình tiến độ giải ngân, thực hiện.

Từ những phân tích trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ tính toán, bổ sung Quỹ dự trữ tài chính để bảo đảm tuân thủ Luật NSNN, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, diễn biến khó lường. Trong khi đó, Quỹ dự phòng NSTW hiện còn ở mức giới hạn. Do đó, việc bù đắp nguồn lực dự phòng là rất cần thiết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến dự kiến bố trí vốn cho các dự án đầu tư, các đại biểu cho rằng để tránh tình trạng phân bố dàn trải, manh mún, cần xác định nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn, thứ tự ưu tiên và rà soát kỹ về mức phân bổ vốn cho các dự án theo hướng: Tập trung bố trí vốn tăng thêm cho các dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã và đang thực hiện, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn, cần bố trí vốn sớm hơn dự kiến để hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả và tránh dàn trải. Đối với những dự án mới, cần rà soát lại, bảo đảm tính cấp thiết để rút gọn danh mục, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả, lãng phí.

Một số ý kiến cho rằng hiện này vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vốn Chương trình phục hồi Nghị quyết 43/2021/QH15, tăng thu NSTW năm 2021 còn rất lớn, chưa thực hiện hết. Việc bố trí vốn cho các dự án mới chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, xác định số vốn địa phương cam kết là rất "mơ hồ". Do đó, không tán thành với việc sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2022 để phân bổ cho các dự án đầu tư.

Cũng có ý kiến nhất trí với Chính phủ và cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại thì việc bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển là cần thiết, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, phát triển.

Ủy viên Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Hoàng Văn Cường phát biểu

Đối với nguồn kinh phí còn dư từ nguồn tăng thu NSTW năm 2021 đã bố trí để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, các đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng phương án báo cáo Quốc hội tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại kỳ họp cuối năm 2022, trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sử dụng kinh phí còn dư trên.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Ủy viên Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Ủy viên Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Thu Hà.

Bảo Yến