Để có cơ sơ ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 làm căn cứ xây dựng dự toán, phân bổ ngân sách cho các Bộ, địa phương thời kỳ ổn định ngân sách mới, bắt đầu từ năm 2022, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN cho năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách.
Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 về nguyên tắc, tiêu chi Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 và Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017, Chính phủ cho rằng thời gian qua đã đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối NSNN, cơ bản phân bổ hợp lý chi thường xuyên NSNN. Tiêu chí, định mức chi thường xuyên đượ quy định rõ ràng, dễ tính toán, đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trong phân bổ; đã khuyến khích sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên qua thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 và kéo sang năm 2021, một số chủ trương, chính sách lớn như cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công, chính sách tiền lương, chính sách bảo trở xã hội… đã được sửa đổi, bổ sung, chỉ số giá cả tăng lên. Do đó một số định mức phân bổ chi thường xuyên của các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương không còn phù hợp với giai đoạn ổn định chính ngân sách mới, cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Các tiêu chí phân vùng để phân bổ ngân sách hiện nay cần bổ sung sửa đổi theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, cần phân định lại vùng kinh tế trong phân bổ ngân sách cho phù hợp yếu cầu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội. Đồng thời khắc phục việc phân bổ kinh phí thường xuyên theo biên chế chưa gắn với kết quả và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị là một trong những nguyên nhân làm tăng biên chế.
Đại diện Bộ Tài chính trình bày Tờ trình của Chính phủ
Thảo luận tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN mới để xác định tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, xây dựng dự toán NSNN giai đoạn 2022-2025.
Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên phải phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2022 và định hướng cả giai đoạn 2022-2025 theo kế hoạch tài chính 5 năm . Bảo đảm cơ cấu lại chi NSNN giai đoạn 2022-2025 gắn với nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả theo hướng giảm mạnh tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển trên cơ sở sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, áp dụng cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện đề án cải cách tiền lương, từng bước đổi mới phương thức quản lý NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị có giải trình làm rõ một số nội dung về xác định thời kỳ ổn định ngân sách, định mức phân bổ chi quan lý hành chính, tỷ lệ điều chỉnh định mức phân bổ các lĩnh vực năm 2022 so với năm 2017, việc sử dụng tiêu chí dân số là tiêu chí chính để tính định mức phân bổ ngân sách cần bổ sunh thêm các tiêu chí phụ như mật độ dân số, dân số vãng lai, số đơn vị hành chính cấp huyện ít nhưng vẫn phải bảo đảm các nhiệm vụ theo quy định…để bảo đảm tính đặc thù cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy hồ sơ Dự thảo Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo đúng thẩm quyền./.