Bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân - các khoản thu phải minh bạch

10/08/2015

Sáng 10/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật phí, lệ phí. Danh mục phí, lệ phí là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận.

Ảnh: Đình Nam

Báo cáo giải trình tiếp thu những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật phí và lệ phí do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày cho biết, ngay sau kỳ họp thứ 9, Thường trực Ủy ban đã làm việc với Cơ quan soạn thảo thống nhất bãi bỏ 5 khoản phí và khoản lệ phí, chuyển sang giá 4 khoản phí, bổ sung 6 khoản phí và sửa tên 3 khoản phí cho phù hợp.

Tại kỳ họp thứ 9, nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định ngay trong Luật Danh mục chi tiết phí, lệ phí bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị luật chỉ quy định nhóm danh mục phí và lệ phí, danh mục chi tiết giao Chính phủ quy định. 

Ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền và nghĩa vụ công dân, đảm bảo tính cụ thể, minh bạch và tránh tình trạng lạm thu tạo gánh nặng cho người dân, đề nghị Chính phủ cần quy định Danh mục phí và lệ phí chi tiết, cụ thể hơn đến từng loại phí, lệ phí ngay trong Luật. Tuy nhiên, do mỗi loại phí, lệ phí có nhiều khoản, dòng khác nhau, cách tính và mức thu khác nhau, do vậy có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính khả thi và phù hợp thực tiễn. Đồng thời, để đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn phát sinh, xin Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Ý kiến của cơ quan soạn thảo đề nghị, quy định Danh mục các khoản phí, lệ phí theo nhóm dịch vụ và giao Chính phủ quy định chi tiết, vì qua rà soát với các bộ, ngành và địa phương cho thấy, hiện nay bên cạnh Danh mục phí và lệ phí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí thì Chính phủ ban hành Nghị định và để phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực quản lý theo sự phân cấp. Các bộ các ngành ban hành thông tư hướng dẫn đều quy định chi tiết, cụ thể về Danh mục phí và lệ phí và các mức thu khác nhau. Do vậy, số lượng Danh mục phí và lệ phí là khá lớn, nếu quy định chi tiết ngay trong Luật là không khả thi. Qua 13 năm thực hiện Pháp lệnh phí, lệ phí không phát sinh vướng mắc. Kinh nghiệm các nước, các khoản phí, lệ phí đều giao cho Bộ Tài chính và Hội đồng địa phương quyết định mức thu và quản lý sử dụng phí, lệ phí thu được. Do đó, kế thừa quy định hiện hành, đề nghị Dự thảo luật chỉ quy định Danh mục phí và lệ phí theo nhóm dịch vụ và giao Chính phủ quy định Danh mục chi tiết của từng loại phí, lệ phí là phù hợp với thực tiễn và khả thi.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu đồng tình với ý kiến, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền và nghĩa vụ công dân, đảm bảo tính cụ thể, minh bạch và tránh tình trạng lạm thu tạo gánh nặng cho người dân cần quy định Danh mục phí và lệ phí chi tiết, cụ thể hơn đến từng loại phí, lệ phí ngay trong Luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Việt Nam đang trong nền phát triển kinh tế thị trường chính vì vậy các khoản thu phải minh bạch vì hiện nay còn tồn tại những khoản thu tùy tiện. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, làm rõ đâu là giá, đâu là phí và lệ phí từ đó rà soát, hình thành danh mục phí, lệ phí, trình Quốc hội. Danh mục phí, lệ phí phải được quy định vào luật, bởi đây là quy định của Hiến pháp. Quốc hội quản lý danh mục này, Quốc hội cho thu hay không là thẩm quyền của Quốc hội. Quốc hội có thể phân quyền, phân cấp cho Chính phủ, Hội đồng nhân dân thực hiện mức thu. Ngoài Quốc hội, không có cơ quan nào được quy định thêm bất cứ khoản thu nào. Nếu chưa có một danh mục phí, lệ phí cụ thể thì Quốc hội chưa thể thông qua Luật này. Ngoài ra, về thủ tục thu và nộp phí, lệ phí phải thật đơn giản không gây rườm ra cho nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đề nghị, phải phân biệt rõ giữa phí và giá dịch vụ để loại bỏ, thu gọn được danh mục phí, lệ phí. Việc này sẽ giúp người dân hiểu rõ được bản chất của phí, lệ phí và giá, vì giá là tính đúng, tính đủ còn phí còn có yếu tố phúc lợi của Nhà nước và Nhà nước phải quản lý, quy định chặt chẽ vấn đề này.

Đồng tình với phát biểu của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng nếu dự thảo Luật chưa liệt kê được danh mục phí, lệ phí thì khi dự thảo Luật công bố, nhân dân sẽ không biết phải đóng cái gì, đóng như thế nào. Chính vì vậy, cần liệt kê chi tiết cụ thể từng khoản phí, lệ phí trong dự thảo này.

Ngoài ra, về nguyên tắc xác định mức thu phí, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng không nên dùng từ “hợp lý” mà nên đổi thành “phù hợp với thu nhập của người dân”. Chủ nhiệm phân tích, thế giới hiện nay thu phí bảo hiểm đều căn cứ trên thu nhập của người dân. Ngay mức thu của y tế cũng cần căn cứ theo thu nhập của người dân tránh tình trạng tăng phí lên quá cao khiến người dân không chi trả nổi.

An Vy