Công khai, giám sát để ngân sách minh bạch hơn

02/06/2015

Sáng 2/6, thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), công khai, giám sát để ngân sách minh bạch là yêu cầu được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến, theo đó, dự thảo Luật mới đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về nội dung, thủ tục, thời hạn công khai (Điều 15).

Dự thảo Luật quy định công khai dự thảo dự toán ngân sách trình Quốc hội và dự toán Ngân sách nhà nước sau khi được Quốc hội quyết định; công khai ngân sách được ngoại trừ đối với các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá, việc công khai ngân sách nhà nước là biện pháp rất quan trọng tạo sự minh bạch trong quản lý tài chính kinh tế và sử dụng ngân sách nhà nước.

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật lần này đã có hướng tiếp thu, chỉnh lý nhưng vẫn chưa có những quy định cụ thể.

Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu tại Hội trường                                                                                    Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Thân Đức Nam-Đà Nẵng đề nghị tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước của đơn vị sử dụng ngân sách để bổ sung, quy định chế tài vào dự thảo luật.

Đại biểu cho rằng, các đơn vị sử dụng ngân sách phải có trách nhiệm công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách, bổ sung quyết toán khi công khai dự toán, quyết toán về tình hình thực hiện các dự toán ngân sách.

Ngân sách các cấp, các đơn vị sử dụng ngân sách dự toán cần phải kèm theo báo cáo thuyết minh công khai kết quả thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước, công khai các thủ tục ngân sách nhà nước, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước của cộng đồng.

Đại biểu Khúc Thị Duyền - Thái Bình                                                                                                                             

Đồng tình với điều này, đại biểu Khúc Thị Duyền-Thái Bình cho rằng, trong dự thảo Luật đã quy định về nội dung, hình thức, thời hạn công khai khá cụ thể nhưng chưa quy định về đối tượng chịu trách nhiệm, việc phải công khai chưa được rõ.

Đại biểu đề nghị, luật phải quy định bắt buộc về công khai từ khâu dự toán đến việc chấp hành dự toán và việc quyết toán ngân sách. Đề nghị các nguồn quỹ có nguồn ngân sách của nhà nước và quỹ đóng góp của nhân dân phải được công khai; phải báo cáo kế hoạch, cũng như quyết toán thu chi với các cơ quan về quản lý tài chính.

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại- Bạc Liêu hy vọng rằng, việc sửa đổi Luật ngân sách nhà nước lần này sẽ khắc phục được hạn chế và đảm bảo quyền lực của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với ngân sách nhà nước thực chất hơn.

Tại phiên thảo luận, dự phòng ngân sách nhà nước; nguồn thu của ngân sách Trung ương, nguồn thu của ngân sách địa phương; việc lập dự toán ngân sách ngân sách nhà nước; kế toán, kiểm toán, thông tin ngân sách nhà nước cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. 

Đặng Mai