Khắc phục lạm thu, tận thu, phí chồng phí

18/06/2015

Tại phiên thảo luận về dự án Luật phí, lệ phí sáng 18/6, nhiều đại biểu đề nghị phí và lệ phí không được chồng thuế, nếu người dân đã trả một lần dịch vụ nào đó ở nghĩa vụ thuế thì không nên trả thêm một lần nữa dưới danh nghĩa là phí.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm-TP Hồ Chí Minh đề nghị, khi chúng ta bàn về các điều luật trong dự thảo luật này thì cần phải tính đến quyền lợi, lợi ích và nghĩa vụ của người dân một cách hợp lý, không phải khi chúng ta cung cấp bất cứ một dịch vụ nào cũng tính đến phí và lệ phí.

Đại biểu cho rằng, nếu chúng ta quan tâm đến mối quan hệ này tốt trong khi ban hành Luật này với một chính sách phí và lệ phí hợp lý thì chúng ta sẽ khắc phục được xu hướng lạm thu, tận thu, phí chồng phí.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết-An Giang                                                                                                        Ảnh: Văn Bình

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết-An Giang bày tỏ, việc thu phí và lệ phí phải tương xứng với số lượng, chất lượng dịch vụ công mà Nhà nước và tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ công, giúp cho dịch vụ công ngày càng được tốt hơn. Nếu quan hệ này không tương xứng thì phí và lệ phí trở thành công cụ tận thu người dân. Đồng thời, phí và lệ phí gắn liền với nguồn thu ngân sách để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển của đất nước. Do đó, việc ban hành danh mục phí và lệ phí tại dự thảo Luật phí và lệ phí rất quan trọng.

Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần giải thích rõ từ ngữ, làm rõ bản chất của phí, lệ phí và giá dịch vụ tại dự thảo Luật, để không ảnh hưởng đến đời sống người dân, không triệt tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và không làm thất thu ngân sách, theo nguyên tắc phí và lệ phí không chồng thuế.

Đại biểu cũng đồng tình, nếu người dân đã trả một lần dịch vụ nào đó ở nghĩa vụ thuế thì không nên trả thêm một lần nữa dưới danh nghĩa là phí.

Theo dự thảo Luật, có 11 nhóm thuộc lĩnh vực phí và 5 nhóm thuộc lĩnh vực lệ phí, 12 loại giá dịch vụ do Nhà nước định giá. Quy định như trong dự thảo luật còn chưa rõ nội hàm cụ thể của từng loại phí và lệ phí.

Đại biểu Trương Văn Vở-Đồng Nai                                                                                                                               

Đại biểu Trương Văn Vở-Đồng Nai đề nghị, Luật cần phải công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh phí chồng phí, thu chồng, thu chéo, tránh tình trạng mở rộng quá nhiều khoản phí, lệ phí, tạo gánh nặng cho dân, tránh tình trạng dân phải oằn lưng ra để cõng phí.

Đại biểu nêu ví dụ, phí khai thác, sử dụng tài liệu do nhà nước quản lý, nhưng trong khi từng ngành đều quy định danh mục phí, ví dụ phí cung cấp thông tin của ngành tài chính, ngành tài nguyên nước,... đây là tình trạng phí chồng phí. Đồng thời, quy định chữ kỹ cũng có lệ phí hoa hồng thì không phù hợp thực tiễn.

Từ vấn đề này, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát trình Quốc hội danh mục theo lĩnh vực, kể cả đến từng khoản theo nhóm như trước đây Chính phủ đã ban hành theo pháp lệnh.

Tại phiên thảo luận, các vấn đề về phạm vi điều chỉnh của dự án luật; về danh mục phí, lệ phí; về miễn, giảm phí, lệ phí; về cơ chế thu, nộp, quản lý sử dụng phí, lệ phí,… cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Đặng Mai