Siết chặt kỷ cương thu, chi

29/05/2014

Chiều 29-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tập trung tại Hội trường để thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012. Đại đa số các đại biểu đều nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá: Về cơ bản các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã thực hiện tốt công tác hạch toán, kế toán thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN), thực hiện khóa sổ và lập báo cáo quyết toán, thẩm định, phê duyệt quyết toán theo đúng quy định của Luật NSNN.

Báo cáo quyết toán NSNN năm 2012 đã được cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiểm toán, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp, nhiều kiến nghị của KTNN đã được các cơ quan của Chính phủ xem xét tiếp thu và thực hiện theo quy định.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quản lý thu, chi NSNN. Các đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có biện pháp chấn chỉnh kỷ cương tài chính; giám sát và xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, lãng phí, sử dụng sai mục đích NSNN. Một số khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa ổn định, vững chắc. Chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn. Chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán. Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn, số dự án đầu tư hoàn thành chưa quyết toán tồn đọng nhiều... 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Khá phát biểu ý kiến. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Một số đại biểu đề nghị làm rõ hơn trong Báo cáo Quyết toán đánh giá về tình tình, nguyên nhân một số khoản chi cụ thể, được coi là then chốt như chi cho giáo dục, khoa học, công nghệ; các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều năm chưa đạt chỉ tiêu. 

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phân tích: Trong 4 năm (từ năm 2009 đến năm 2012), NSNN chi cho giáo dục và khoa học liên tục ở tỷ lệ thấp, giảm nhiều so với dự toán. Trên thực tế, các lĩnh vực này rất khó khăn về vốn. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những biện pháp khắc phục vấn đề này trong những năm tới, đáp ứng nhu cầu phát triển những lĩnh vực quan trọng của đất nước. 

Đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn về số tăng thu ngân sách năm 2012 so với dự toán chủ yếu là thu từ dầu thô và các khoản thu về đất đai, đồng thời các khoản thu này cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu NSNN, thể hiện tính thiếu ổn định, bền vững của nguồn thu. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng, thất thu thuế vẫn diễn ra nghiêm trọng. 

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) và nhiều đại biểu khác đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm thu, chi NSNN; xử lý nghiêm minh hơn các hành vi vi phạm. 

Đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn các khoản mua sắm xe công vì trong bối cảnh kinh tế năm 2012 rất khó khăn nhưng khoản chi này vẫn cao. 

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu Quốc hội khác cùng yêu cầu các cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ việc chấp hành kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong thu chi ngân sách. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong thu chi ngân sách, tránh tình trạng “hòa cả làng”, "thành tích thì do tôi còn khuyết điểm thì do chúng ta". 

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đề xuất, cần phải siết chặt kỷ cương thu chi NSNN, có cơ chế giám sát chặt chẽ, công khai và minh bạch; tách bạch giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. 

Trước đó, trong buổi sáng ngày 29-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Ngày 30-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường. Buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

(Theo Quân đội Nhân dân Online)