THẨM TRA SƠ BỘ KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2018

01/04/2019

Chiều ngày 01/4, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã có phiên họp cho ý kiến thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018. Đây là nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 33 tới.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018

Trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, năm qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2018 theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần duy trì đà chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Quốc hội giao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên bền vững hơn.

Qua báo cáo cụ thể các nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ; quản lý ngân sách nhà nước; mua sắm sử dụng tài sản công; đầu tư công; quản lý, sử dụng tài nguyên; quản lý, sử dụng lao đọng và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân… Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nêu rõ, năm 2018 công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng thẳng thắn chỉ rõ, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực còn có những khó khăn, hạn chế. Vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số bộ ngành, cơ quan, địa phương chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật, chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, chậm báo cáo kết quả thực hiện, chưa thực hiện quy định đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi thường xuyên.

Tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với các nhận định trong báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí và cho rằng năm 2018, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục. Trong đó, có 10 bộ ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Một số cơ quan, đơn vị ban hành chương trình còn dàn trải, chưa xác định rõ nhiệm vụ cần tập trung triển khai, chưa lượng hóa các chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu và làm căn cứ tổng kết đánh giá. Mặc dù năm 2018, Chính phủ đã có phê bình nhắc nhở nhưng đến năm 2019 vẫn có 22 bộ ngành, địa phương chậm gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Một số hạn chế về thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn đánh giá chung chung, thiếu số liệu dẫn chứng như nhận định thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nhiệp nhưng chưa chỉ rõ là lĩnh vực nào; chưa có số liệu chứng minh cho đánh giá tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thập, biên chế giáo viên thừa, thiếu cục bộ; đề cập một số quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa bảo đảm tính khả thi nhưng chưa có thống kê đề xuất sửa đổi…Các đại biểu đề nghị cơ quan hữu quan cần rà soát, bổ sung đầy đủ vào báo cáo để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, báo các mới có đánh giá định tính, cần phải căn cứ vào các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra theo Chương trình hành động mà Chính phủ ban hành từ đầu năm. Thực hành tiết kiệm chống lãng phí có nhiều nội dung đòi hỏi thực hiện liên tục kéo dài qua từng năm như cải cách thủ tục hành chính. Vấn đề ở chỗ đặt ra mục tiêu cải cách thủ tục hành chính trong năm 2018 giảm được bao nhiêu thủ tục hành chính. Do đó, các đánh giá hiệu quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí cần đi vào định lượng mới thấy được hiệu quả thực tế.

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí cần có sự so sánh qua các năm để thấy được tình hình thực hiện có thực sự chuyển biến hay không.

Các đại biểu tại buổi làm việc của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí của địa phương và các bộ ngành nổi lên là tính hình thức, báo cáo chung chung, có tính chất mục  tiêu nhưng khi đo lường bằng chỉ số cụ thể lại rất hạn chế. Nếu báo cáo như vậy thì không thực chất, không phản ánh đúng tinh thần của Luật. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân đề xuất, năm 2020 Quốc hội cần tiến hành giám sát chuyên đề để kiểm soát tiết kiệm, chống lãng phí.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung đánh giá so sánh với kết quả thực hiện các năm trước; bổ sung số liệu đánh giá khách quan như chỉ số PAPI cải cách hành chính cấp tỉnh và CPI, trong đó có đánh giá rất kỹ các yếu tố thành phần như tiết kiệm thời gian, tiếp cận đất đai các chi phí không chính thức, chỉ số cạnh tranh để minh chứng cho công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí có cải thiện, chỉ số CPI giữa các tỉnh ngày càng sát gần nhau, có sự chuyển biến chung về cải thiện môi trường đầu tư.

Báo cáo thẩm tra cũng cần bổ sung các kết quả giám sát như về ODA, chậm phân bổ vốn đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đồng thời đánh giá khía cạnh hiệu quả tài chính, quản lý nguồn lực xã hội huy động đầu tư vào một số dự án văn hóa, biến tướng lễ hội.

Bảo Yến