ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

25/03/2019

Tiếp tục chương trình giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”, sáng ngày 25/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, các chuyên gia cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải,  Trưởng đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, cho biết mục đích giám sát là làm rõ tình hình quản lý và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia về tình hình hoạt động, đánh giá hiệu quả, mô hình phát triển trong tương lai của hai quỹ phát triển, đổi mới công nghệ. Qua đó trả lời cho câu hỏi đâu là nguồn lực để đổi mới phát triển khoa học, công nghệ, vấn đề sử dụng ngân sách như thế nào để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cho hiệu quả.

Hiện vấn đề công nghệ đổi mới, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đang rất được quan tâm, đồng nghĩa với đó là mối quan hệ của các quỹ với các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ có định hướng như thế nào, chiến lực quốc gia đến đâu trong thời gian tới để việc đầu tư không tản mạn. Trong bối cảnh doanh nghiệp chủ động đầu tư đổi mới công nghệ rất nhanh thì liệu hoạt động của các Quỹ này có theo kịp để bảo đảm hiệu quả tạo ra bước phát triển thay đổi rõ rệt.

Quỹ phát triển công nghệ quốc gia (NAFOSTED) được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP, khai trương thành lập từ năm 2008 và đi vào hoạt động tài trợ, hỗ trợ từ năm 2009. Quỹ hoạt động phi lợi nhuận, được cấp vốn từ nguồn ngân sách và vốn ngoài ngân sách và được bổ sung kinh phí hàng năm với mức bảo đảm tối thiểu 500 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ. NAFOSTED có chức năng tài trợ các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, các nhiệm vụ đột xuất tiềm năng; cho vay, bảo lãnh vốn vay ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia.

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) đi vào hoạt động từ năm 2015 với số vốn điều lệ là 1000 tỷ đồng. Quỹ NATIF hướng tới các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.  

Đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo trước Đoàn giám sát

Trao đổi về một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, việc thành lập và đưa vào hoạt động hai quỹ này là cần thiết, đã thể chế hóa đường lối định hướng ưu tiên phát triển khoa học công nghệ của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và Luật Chuyển giao công nghệ, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và nhu cầu của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động của hai quỹ đã có tác động tích cực đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo đổi mới công nghệ trong nước, đặc biệt sự tăng trưởng vượt bậc của các đề tài khoa học được quốc tế công nhận, số lượng các nhà khoa học trẻ tham gia ngày càng nhiều, đặc biệt là phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh giải trình làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc quản lý, sử dụng các Quỹ bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, theo chuẩn mực quốc tế mang lại những thay đổi tích cực cho sự phát triển khoa học công nghệ nước nhà thời gian qua; cùng với đó báo cáo của Bộ cũng bám sát được yêu cầu của Đoàn giám sát.

Để làm rõ được hiệu quả hoạt động của các Quỹ, Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, bổ sung số liệu, kết quả cụ thể. Đồng thời làm rõ tổ chức bộ máy của quỹ và chi phí vận hành cho tổ chức bộ máy hiện nay; làm rõ các nguồn thu, các nguồn thu khác ngoài ngân sách; khả năng tự đảm bảo kinh phí hoạt động của các quỹ, cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các quỹ, tính minh bạch, công khai của các hoạt động tài trợ, hỗ trợ, và khả năng tiếp cận vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ.

Cùng với đó cần phải có đánh giá hiệu quả của những đề tài được các Quỹ này tài trợ trong bối cảnh nguồn lực có hạn đặt vấn đề có cần thu hẹp phạm vi tài trợ hay không để bảo đảm hiệu quả.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ làm rõ định hướng phát triển, phương án cải tổ hoạt động của Quỹ phát triển công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia nhằm phát huy hiệu quả, theo đúng khuôn khổ pháp luật hiện hành.

Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Y tế về nội dung giám sát Quỹ hỗ trợ nhiễm HIV/AID, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá.

Bảo Yến