ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ THÔNG TIN – TRUYỀN THÔNG

22/03/2019

Tiếp tục chương trình giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”, sáng 22/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Phạm Hồng Hải, đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, các chuyên gia cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc với Bộ Thông tin - Truyền thông

Văn bản pháp luật chưa theo kịp với sự phát triển công nghệ

Được thành lập từ năm 2004 theo quyết định số 191/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, điều chỉnh sửa đổi lần 1 theo Quyết định số 186/2007/QĐ-TTg và sửa đổi điều chỉnh lần 2 theo Quyết định số 11/2014/QĐ-TTg, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về viễn thông công ích trên phạm vi cả nước.

Trên cơ sở đó, Quỹ thực hiện định hướng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ viễn thông trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn và các khu vực mà doanh nghiệp viễn thông không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường. Bảo đảm quyền truy nhập dịch vụ bình đẳng, hợp lý cho mọi người dân. Việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, thiết bị đầu cuối và cung cấp dịch vụ viễn thông công ích được thực hiện thông qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối hoặc trực tiếp tới người sử dụng dịch vụ. Trong giai đoạn 2013-2018, định hướng trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng dịch vụ viễn thông công ích (hỗ trợ cơ sở hạ tầng, mạng băng thông rộng đa dịch vụ).

Quỹ xác định đối tượng thụ hưởng là mọi người dân được hỗ trợ sử dụng miễn giá cước các dịch vụ viễn thông khẩn cấp, dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuế bao điện thoại cố định, sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng dịch vụ điện thoại cố định, dịch vụ thông tin di động mặt đất, thu xem các chương trình truyền hình; hỗ trợ ngư dân trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản và các trường học, bệnh viên, Ủy ban nhân dân cấp xã được hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng theo giá cước dịch vụ viễn thông công ích.

Tuy nhiên, báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam Phạm Văn Dũng chia sẻ quá trình triển khai các dự án của Quỹ trên địa bàn rộng, công nghệ và dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông nói chung, viễn thông công ích nói riêng biến động rất nhanh trong khi công tác dự báo còn hạn chế, địa bàn rộng, sản lượng dịch vụ lớn, thực hiện báo cáo hàng năm không kịp thời dẫn đến khó khăn, không bảo đảm tiến độ từ khâu lập kế hoạch đến các khâu nghiệp thu, thanh quyết toán.

Công tác điều hành thực hiện các chương trình của Quỹ còn lúng túng, bị động, các đơn vị thực thi chưa chủ động đề xuất các giải pháp khắc phục những phát sinh. Thực tế, Nhà nước không chủ động được về tiến độ phát triển hạ tầng viễn thông để cung cấp dịch vụ viễn thông công ích nhất là tại các khu vực có điều kiện khó khăn, hải đảo phụ thuộc nhiều vào tiến độ đầu tư của doanh nghiệp.

Giám đốc Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam Phạm Văn Dũng báo cáo trước Đoàn giám sát

Công tác quản lý, sử dụng Quỹ dựa trên số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật bên cạnh các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư, công văn của các Bộ với tổng số văn bản lên đến 32 văn bản. Tuy nhiên vẫn còn có những bất cập, chồng chéo, thiếu quy định cần thiết. Cụ thể, chưa ban hành được cơ chế triển khai thực hiện  hỗ trợ với các dịch vụ viễn thông, Internet đối với các trường hợp khẩn cấp, trường hợp khẩn cấp phục vụ an ninh, quốc phòng; chưa xây dựng được chính sách hỗ trợ trực tiếp phát triển hạ tầng viễn thông. Nội dung của các quyết định xác định chương trình cụ thể cũng có sự không đồng nhất, thay đổi theo từng thời kì dẫn đến triển khai hoạt động của Quỹ bị ảnh hưởng.

Cân nhắc hiệu quả hoạt động của Quỹ

Nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng đề ra, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam triển khai theo 5 chương trình thành phần gồm: Kết nối băng rộng, Kết nối khẩn cấp, Kết nối cộng đồng, Kết nối công sở và Kết nối truyền hình số.

Tính đến nay, Quỹ đang thực hiện theo dõi, quản lý 22 dự án, hợp đồng đặt hàng thuộc Chương trình theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020.

Bên cạnh các kết quả, lợi ích như bảo đảm thông tin viễn thông bắt buộc, phục vụ công tác quốc phòng, an ninh, phổ cập dịch vụ viễn thông đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì thực tế việc triển khai các chương trình còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều chương trình chậm triển khai theo kế hoạch đề ra; một số chương trình chưa triển khai được như các dự án thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng. Sản lượng thực hiện và kinh phí giải ngân cho hỗ trợ dịch vụ viễn thông công ích thấp.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện của Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, qua kiểm toán cho thấy việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Quỹ không đạt được do các dự án không được triển khai nhiều, không giải ngân được, các dự án triển khai thiếu hiệu quả. Đại diện Kiểm toán Nhà nước đặt vấn đề, các cơ quan hữu quan nên nghiên cứu chuyển đổi mục tiêu hoạt động của Quỹ cho phù hợp để xem xét lại các nội dung triển khai cho phù hợp, cũng như tránh lãng phí các nguồn thu vào nhưng lại không chi được.

Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Phạm Hồng Hải cũng chia sẻ, chương trình triển khai thành công nhất của Quỹ mới chỉ có Chương trình kết nối truyền hình số (số hóa hệ thống truyền hình).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải cho biết sự thành lập, hoạt động của Quỹ ảnh hưởng nhiều do yếu tố lịch sử, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay cho thấy sự lúng túng của chính sách, pháp luật không theo kịp sự phát triển của công nghệ dẫn đến không triển khai Quỹ được hiệu quả, thiếu tính ổn định của các mục tiêu chương trình, thiếu sự định hình phát triển trong tương lai.

Ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của Bộ Thông tin – Truyền thông và Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị cơ quan chịu sự giám sát bổ sung thông tin, số liệu, kết quả, đánh giá thực hiện các chương trình; làm rõ mối quan hệ của Quỹ với doanh nghiệp; có thuyết minh cụ thể về việc triển khai các hỗ trợ đối với các đối tượng thụ hưởng…Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu, xem xét lại về thẩm quyền, cơ sở pháp lý liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quỹ, đánh giá hoạt động cũng như có những kiến nghị cần thiết.

Bảo Yến