ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH LÀM VIỆC VỚI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI VỀ QUỸ QUỐC GIA VỀ VIỆC LÀM

21/03/2019

Sáng 21/3, tiếp tục chương trình giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018”, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội về quản lý, sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội 

Báo cáo trước Đoàn giám sát, đại diện Ngân hàng chính sách xã hội cho biết, tính đến ngày 31/12/2018, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm giai đoạn 2013-2018 đạt 15.484 tỷ đồng, tăng 9.823 tỷ đồng so với năm 2012. Doanh số cho vay giải quyết việc làm trong giai đoạn này đạt 26.367 tỷ đồng với trên 959.000 lượt khách hàng được vay vốn. Doanh số thu nợ cho vay giải quyết việc làm là 16.499 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giải quyết việc làm tính đến 31/12/2018 đạt 15.407 tỷ đồng, tăng 9.744 tỷ đồng so với năm 2012 với trên 495.000 khách hàng đang còn dư nợ. Nợ quá hạn cho vay giải quyết việc làm là 47,86 tỷ đồng, giảm hơn 107 tỷ đồng so với năm 2012, chiếm tỷ lệ thấp 0,31% trên tổng dư nợ cho vay.

Đại diện Ngân hàng chính sách xã hội cho hay, thông qua việc cho vay vốn trong giai đoạn 2013-2018 đã giúp cho gần 1,1 triệu lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với trên 955 nghìn lượt khách hàng được vay vốn và giúp cho hơn 4.000 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong quá trình hoạt động, ngân hàng chính sách xã hội đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện cho vay giải quyết việc làm, tổ chức thu hồi nợ, thu lãi tại Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay và tại các Điểm giao dịch theo định kỳ; tích cực huy động vốn để cho vay giải quyết việc làm. Ngân hàng chính sách xã hội các cấp cũng phối hợp với các ngành, các cấp tại địa phương, cơ quan Lao động, thương binh và xã hội tham gia giám sát, kiểm tra các cơ quan thực hiện chương trình và hoạt động cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội báo cáo trước Đoàn giám sát 

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng chính sách xã hội cũng chia sẻ khó khăn, nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, hàng năm Ngân sách nhà nước bổ sung vốn cho Quỹ rất thấp, năm 2018 ngân sách nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ, nguồn vốn của Quỹ chỉ được bổ sung một phần từ tiền lãi cho vay, Ngân hàng chính sách xã hội cho vay chủ yếu bằng vốn thu hồi nợ nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Bên cạnh đó, đối tượng vay vốn từ Quỹ được ưu tiên vay với lãi suất bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo là chưa hợp lý, trong khi các đối tượng này không quá khó khăn so với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo dẫn đến tâm lý ỷ lại không muốn trả nợ đúng hạn, tạo sự không công bằng đối với các đối tượng được hưởng tín dụng ưu đãi, tăng gánh nặng cấp bù chênh lệch lãi suất huy động vốn của ngân sách nhà nước. Do đó, Ngân hàng chính sách xã hội đề xuất xem xét điều chỉnh lãi suất vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm lên bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định, nâng mức cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm cho phù hợp với nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi và đề nghị làm rõ thêm nhiều nội dung như đánh giá chính sách, pháp luật tạo cơ sở cho hoạt động của Quỹ thực hiện việc cho vay, cơ sở pháp lý bảo đảm cho Quỹ hoạt động minh bạch, rõ ràng, các quy định hiện hành về nguồn huy động vốn, đối tượng cho vay; đánh giá việc thực hiện mục tiêu khi xây dựng Quỹ đến nay, hiệu quả của chính sách, hiệu quả của Quỹ. Từ đó đặt ra vấn đề có cần thiết tồn tại quỹ độc lập hay không, định hình trong tương lai mục tiêu giải quyết việc làm thực hiện như thế nào?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc

Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị rà soát, làm rõ việc sử dụng lãi suất, nguyên tắc sử dụng giữa các nguồn hình thành Quỹ, quy trình cho vay, giám sát vốn vay, số liệu về nợ khó đòi và rà lại đối tượng cho vay, xác định cho vay đúng đối tượng không, vốn vay có được sử dụng đúng mục đích không.

Phát biểu về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát, đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội; ghi nhận cố gắng của Ngân hàng chính sách xã hội trong thực hiện chính sách thời gian qua, thể hiện trách nhiệm trong quản lý, không để nợ xấu, an toàn tín dụng cao, tổ chức hoạt động hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với đoàn thể địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh đây là bài học thành công và thể hiện trách nhiệm trong bối cảnh dù nguồn vốn không lớn nhưng quỹ này đã góp phần giải quyết việc làm cho đối tượng yếu thế có hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội bổ sung thêm đánh giá về chính sách, pháp luật, cơ chế tổ chức; bổ sung bảng biểu số liệu, đánh giá vai trò của quỹ, tốc độ phát triển qua hàng năm. Bổ sung định hướng chiến lược trong thời gian tới về vấn đề này, kiến nghị về cơ chế chính sách, nghiên cứu làm rõ thêm tính chất mức độ cần thiết của quỹ và phương thức quản lý. Về một số kiến nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp, nghiên cứu và có đề xuất cụ thể.

Bảo Yến