ĐỀ NGHỊ ĐƯA DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO SẢN XUẤT, KINH DOANH TẠI DOANH NGHIỆP (SỬA ĐỔI) VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2023

08/08/2022

Chiều 08/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong thực hiện quy định của pháp luật về bổ nhiệm viên chức quản lý

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách cùng các đại biểu Quốc hội thành viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; đại diện Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cùng một số ban, ngành hữu quan.

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật số 69/2014/QH13 hiện hành; đảm bảo thống nhất, phù hợp với các luật hiện hành (Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Đầu tư công; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư) và các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày Tờ trình

Việc sửa đổi toàn diện Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đảm bảo DNNN hoạt động theo cơ chế thị trưởng trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước (chủ sở hữu).

Về phạm vi điều chính, Luật quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Về đối tượng áp dụng, Luật áp dụng đối với Đại diện chủ sở hữu nhà nước; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về các chính sách, Chính phủ lập đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) với 04 chính sách: Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; Cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.

Báo cáo ý kiến nghiên cứu về đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu nêu rõ, về sự cần thiết ban hành Luật Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sau đây gọi là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước). Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, còn thiếu bản chụp ý kiến góp ý; nội dung một số tài liệu cần tiếp tục được hoàn thiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu

Về phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, trong đó, bổ sung nội dung “cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp" vào Điều 1 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đề nghị trong quá trình chuẩn bị dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp, bổ sung quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh, vướng mắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Về các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, về cơ bản, 04 nhóm chính sách đã bảo đảm phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đã được rà soát dễ bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ về từng nội dung cụ thể trong các nhóm chính sách, thể hiện nhất quán các nội dung chính sách được đề xuất trong các quy định của dự thảo Luật, bảo đảm sự đồng bộ giữa nội dung chính sách với các văn bản trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Về áp dụng Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và các luật khác: Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị không quy định nguyên tắc áp dụng chung như trong dự thảo Luật mà cần rà soát, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các luật có liên quan, kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đối với các quy định cụ thể để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về quản lý tài sản cố định, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách để nghị cần quy định theo hướng xác định ngưỡng giá trị của tài sản (có thể tinh theo nguyên giá tài sản) phải thực hiện việc thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá khởi điểm; với tài sản có giá trị thấp, không phải thuê đơn vị thẩm định giá nhằm giảm chi phí và thủ tục hành chính.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu đồng tình với việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển DNNN phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, nhiều đại biểu đồng tình với phương án trình dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ hợp thứ 6.

Đi vào các vấn đề cụ thể, có ý kiến đề nghị cần phải xác định các nguyên tắc, tiêu chí để giám sát, kiểm tra hoạt động sử dụng, đầu tư vốn nhà nước ở doanh nghiệp để bảo toàn và bảo đảm hiệu quả của nguồn vốn nhà nước, tránh các kẽ hở để dẫn đến các sai phạm, vi phạm, gây thất thoát nguồn lực của nhà nước. Với chính sách cơ cấu lại vốn Nhà nướ tại doanh nghiệp, một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ chế, nguyên tắc xác định giá thị trường, các căn cứ để xác định hoặc giao Chính phủ quy định về “Giá trị doanh nghiệp phải được định giá lại sát với thị trường thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và làm cơ sở để xác định giá khởi điểm, tránh cách hiểu, cách xác định giá thị trường không thống nhất.  

Một số ý kiến đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ có liên quan, rà soát các nội dung, chính sách, bảo đảm đầy đủ, chi tiết, đánh giá cụ thể các tác động chính sách trong tình hình thực tế, để chính sách đưa ra có tính thuyết phục, bảo đảm tính khả thi sau khi thông qua. Các đại biểu cũng kiến nghị tổ chức hội thảo để tham khảo ý kiến các chuyên gia, đảm bảo dự thảo Luật có được sự đồng thuận trong xã hội và đạt được hiệu quả mong muốn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các đại biểu đã có sự thống nhất cao trong việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp sắp tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp chặt chẽ trong quá trình thẩm tra, đề nghị Bộ Tài chính rà soát nghiên cứu kỹ lưỡng, khẩn trương tổng kết thực tiễn, nắm bắt đầy đủ các vấn đề, vướng mắc, phân tích nguyên nhân để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đảm bảo sự đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu tại phiên họp

Các đại biểu cơ bản đồng tình với việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023

Có ý kiến đề nghị cần phải xác định các nguyên tắc, tiêu chí để giám sát, kiểm tra hoạt động sử dụng, đầu tư vốn nhà nước ở doanh nghiệp để bảo toàn và bảo đảm hiệu quả của nguồn vốn nhà nước

Một số ý kiến đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ có liên quan, rà soát các nội dung, chính sách, bảo đảm đầy đủ, chi tiết, đánh giá cụ thể các tác động chính sách trong tình hình thực tế, để chính sách đưa ra có tính thuyết phục, bảo đảm tính khả thi sau khi thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các đại biểu đã có sự thống nhất cao trong việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Minh Hùng - Nghĩa Đức

Các bài viết khác