THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN MỞ RỘNG

07/12/2021

Chiều 07/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng thẩm tra việc cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

 

Tham dự phiên họp có đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Tổng cục hải quan cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng

Trước đó, tại cuộc làm việc ngày 03/12/2021 của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội với đại diện lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan để nghe báo cáo cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung quy định khác Luật Hải quan, cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế và kho ngoại quan, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, để đưa vào dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định về nội dung này tại Phiên họp thứ 6 (tháng 12/2021) tới.

Theo Tờ trình của Chính phủ, sự xuất hiện và bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trên toàn toàn thế giới từ cuối năm 2019 đến nay nằm ngoài dự báo của thế giới, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Chính phủ các nước đều tăng cường nhiều biện pháp phòng chống dịch như: hạn chế tối đa việc đi lại, phong tỏa, thậm chí đóng cửa biên giới đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng chịu những ảnh hưởng nhất định như: Nhiều hàng hóa gửi trong kho ngoại quan bị tồn đọng do không thể xuất khẩu hoặc nhập khẩu vào nội địa. Việc áp dụng biện pháp hạn chế đi lại giữa các quốc gia cũng dẫn đến hoạt động bán hàng miễn thuế cho khách xuất nhập cảnh bị ngưng trệ vì vậy hàng hóa tồn kho quá thời hạn cho phép nhưng chưa xuất khẩu được. Trường hợp thực hiện tiêu hủy, doanh nghiệp tổn thất rất lớn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai báo cáo làm rõ một số nội dung trình của Chính phủ

Căn cứ vào Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập để bán tại cửa hàng miễn thuế, doanh nghiệp có hàng gửi kho ngoại quan nhưng quá thời hạn lưu giữ tại Việt Nam theo quy định của Luật Hải quan nhưng không thể tái xuất trả nước ngoài do tác động của dịch COVID-19, đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 một điều quy định về việc cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan, cụ thể:

“Gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan:

1. Cho phép hàng hóa lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan nhưng hết thời hạn lưu giữ theo quy định tại Điều 47, Điều 61 Luật Hải quan (bao gồm cả thời gian gia hạn) phát sinh trong thời gian Thủ tướng Chính phủ công bố dịch COVID-19 theo Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020, được tiếp tục lưu giữ đến ngày cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc và được gia hạn một lần không quá 12 tháng kể từ thời điểm công bố hết dịch.

2. Thẩm quyền gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan thực hiện theo quy định của Luật Hải quan.”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu về nội dung Tờ trình của Chính phủ

Thảo luận tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng dịch COVID-19, trong đó có nội dung gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan khác với quy định của Luật Hải quan.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đặt vấn đề, một mặt để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mặt khác bảo đảm yêu cầu quản lý, tránh lạm dụng, vừa đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng cần làm rõ cấp độ dịch để áp dụng biện pháp này, bởi đây là biện pháp đặc thù và khác luật trên cơ sở Nghị quyết 30/2021/QH15 cho phép. Đồng thời cân nhắc đến chủ thể có thẩm quyền quyết định thời điểm áp dụng và khi nào chấm dứt biện pháp này, cách thức quy định về điều kiện, yêu cầu để bảo đảm chặt chẽ.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cơ bản thống nhất với sự cần thiết trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan; đồng thời nhất trí với việc đưa nội dung này vào dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 là có cơ sở pháp lý và phù hợp với Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý, nguyên tắc áp dụng biện pháp khác quy định hiện hành của Luật Hải quan vừa đáp ứng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, giám sát của cơ quan có thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong trường hợp có dịch bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền công bố đến thời điểm kết thúc dịch được áp dụng biện pháp này; đồng thời đề nghị quy định rõ biện pháp áp dụng, lưu ý giảm tối đa thủ tục hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 6 sẽ khai mạc vào ngày 08/12/2021 tới./.

Bảo Yến

Các bài viết khác