HÌNH ẢNH PHIÊN HỌP THẨM TRA SƠ BỘ ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG VÀO CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2022 DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH TỔ CHỨC LAO ĐỘNG, HƯỚNG NGHIỆP, DẠY NGHỀ CHO PHẠM NHÂN NGOÀI TRẠI GIAM

16/12/2021

Sáng 16/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng thẩm tra đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.


Cùng dự phiên họp còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Về phía khách mời có Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Sáng 16/12, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp phiên mở rộng thẩm tra đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm về vấn đề này, về phạm vi thí điểm, thời gian thí điểm, các tiêu chí thực hiện và các chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị quyết.

Theo đó, các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Do đó nhất trí với việc trình bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. 

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như ý kiến của các Bộ ngành; làm rõ và có đánh giá tác động một cách đầy đủ nguồn lực dự kiến thực hiện thí điểm, tính khả thi và hiệu quả của các chính sách, bổ sung kinh nghiệm quốc tế…

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thu hẹp phạm vi thí điểm thực hiện; nghiên cứu quy định rõ hơn về chế độ lao động, học nghề đốii với phạm nhân ngoài trại giam bảo đảm tính đặc thù của hoạt động này, quy định cụ thể về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động lao động của phạm nhân ngoài trại giam để bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế, quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân, tạo động lực khuyến khích phạm nhân tích cực lao động, học tập và cải tạo.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết và cho rằng hồ sơ Chính phủ trình đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Theo đó, cần làm rõ yêu cầu thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, giải quyết các vấn phát sinh từ thực tiễn; lưu ý tổng kết việc thực hiện tổ chức lao động cho phạm nhân hiện nay; tính phù hợp với các điều ước quốc tế, hiệp định tự do thương mại thế hệ mới; làm rõ thêm các tiêu chí, việc áp dụng các tiêu chí để lựa chọn đơn vị thực hiện, phạm vi thí điểm; đánh giá tác động chính sách.

Nghĩa Đức

Các bài viết khác