GIÁM SÁT TỐI CAO CỦA QUỐC HỘI: TẠO CHUYỂN BIẾN BƯỚC ĐẦU VỀ NHẬN THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

13/10/2022

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Đây là chuyên đề giám sát có quy mô lớn và huy động một lực lượng lớn tham gia, kết quả bước đầu hoạt động giám sát chuyên đề tối cao đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

THÔNG BÁO TRIỆU TẬP KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021

GIÁM SÁT THỰC HÀNH, TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ: NHIỀU ĐỀ TÀI, NHIỆM VỤ KHOA HỌC SAU KHI TRIỂN KHAI KHÔNG CÓ SẢN PHẨM

GIÁM SÁT THỰC HÀNH, TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ: CÓ TÌNH TRẠNG “XẾP HÀNG, NHẬN CHỖ” TRONG DANH MỤC ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN

GIÁM SÁT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ: CÔNG TÁC QUY HOẠCH THIẾU KHẢ THI GÂY LÃNG PHÍ NGUỒN LỰC XÃ HỘI

 

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” 

Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường làm Phó Trưởng Đoàn Thường trực; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  Bùi Văn Cường làm Phó Trưởng Đoàn.

Theo Nghị quyết số 18/2021/QH15 của Quốc hội, phạm vi giám sát chuyên đề là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước. Nội dung giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THTK,CLP và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Dư luận, cử tri và Nhân dân rất quan tâm nội dung giám sát chuyên đề này.

Tập trung vào 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm

Để triển khai chuyên đề giám sát, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, có ý kiến cụ thể ngay từ bước chuẩn bị ban đầu và trong cả quá trình giám sát. Cụ thể: UBTVQH đã dành thời gian tại 4 Phiên họp để thảo luận, cho ý kiến, xác định mục tiêu, giới hạn phạm vi, nội dung trọng tâm, trọng điểm giám sát chuyên đề; phương pháp giám sát; kế hoạch, đề cương báo cáo và kết quả của từng thời điểm giám sát. Để bảo đảm tính khả thi UBTVQH đã giới hạn phạm vi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP trong khu vực công, tập trung vào 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm .

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí toàn diện nhưng cũng cần có trọng tâm, trọng điểm.

Trong quá trình giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp tham dự một số cuộc làm việc với Đoàn giám sát, một số Bộ, địa phương và có ý kiến cụ thể về nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát.  

Thực hiện các Nghị quyết Quốc hội, Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề đã Ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết số 06/KH-ĐGS ngày 30/9/2021, phân công trách nhiệm từng thành viên trong Đoàn. Đồng thời, xây dựng Đề cương báo cáo tổng hợp của Đoàn, của Chính phủ, Khung đề cương báo cáo giám sát và hệ thống các phụ lục đi kèm yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo.

Giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 Bộ, cơ quan trung ương  và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Sau khi nghiên cứu Báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành Kế hoạch số 123/KH-ĐGS ngày 18/4/2022 giám sát chi tiết một số bộ, ngành và địa phương; thành lập các Tổ công tác khảo sát, làm việc, chuẩn bị báo cáo đánh giá kết quả làm việc bước đầu với từng bộ, ngành, địa phương Đoàn giám sát, làm việc trực tiếp.

Thực hiện Kế hoạch này, Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 Bộ, cơ quan trung ương  và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 01 buổi làm việc với khối cơ quan Tư pháp để bổ sung, làm rõ thêm các thông tin, số liệu liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến công tác THTK,CLP.

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với UBND Tp. Hà Nội 

Khoảng 570 báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các Đoàn ĐBQH

Quá trình giám sát, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc tiếp thu và báo cáo bổ sung theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Đến ngày 30/9/2022, Đoàn giám sát nhận khoảng 570 báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các Đoàn đại biểu Quốc hội, cùng hệ thống các Phụ lục kèm theo đồ sộ khoảng 100 nghìn trang tài liệu. Các báo cáo cơ bản bám theo Khung đề cương của Đoàn giám sát .

Tuy nhiên, do phạm vi, quy mô chuyên đề giám sát rất rộng, trong khi hệ thống thông tin, dữ liệu liên quan đến công tác THTK,CLP chưa được thống kê đầy đủ trong nhiều năm, nên mặc dù rất nỗ lực, nhưng sau nhiều lần bổ sung, thông tin, số liệu báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa chính xác, còn mâu thuẫn, chưa lượng hóa được số liệu tiết kiệm, lãng phí, thất thoát và chưa đầy đủ theo yêu cầu của Đoàn giám sát, làm cho việc tổng hợp, nhận định, đánh giá của Đoàn gặp khó khăn nhất định.

Tổ công tác thuộc Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà - Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với tỉnh Ninh Bình

Có thể thấy, đây là cuộc giám sát có quy mô và huy động một lực lượng lớn tham gia. Các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách đã tham gia và đóng góp nhiều ý kiến về kế hoạch, đề cương, các báo cáo giám sát chuyên đề. Tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát trực tiếp việc thực hiện chính sách, pháp luật THTK,CLP tại địa phương.

Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp vừa có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP của cơ quan, đơn vị mình, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật các đối tượng thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách cho cả giai đoạn 2016-2021. Nhiều chuyên gia có chuyên môn sâu liên quan đến công tác THTK,CLP tham gia vào các hoạt động của Đoàn giám sát….

Tạo chuyển biến bước đầu

Thông qua giám sát, kết quả bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP. Cụ thể:

Theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông tin, số liệu liên quan đến THTK,CLP, qua đó đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành chính sách pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành trong công tác THTK,CLP; trong tổ chức triển khai thực hiện.

Qua công tác giám sát đã giúp các cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc và có trách nhiệm hơn trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP.

Nhiều bộ, ngành, địa phương qua kiến nghị ban đầu của Đoàn giám sát đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP tại bộ, ngành, địa phương; ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế mới phát hiện.

Qua giám sát, Đoàn giám sát đã nhận diện những hạn chế, vướng mắc, tồn tại đang tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát của một số lĩnh vực cụ thể cần phải tiếp tục đi sâu giám sát chuyên sâu để tiếp tục nhận diện, khẳng định thực trạng và đề ra các giải pháp giải quyết căn cơ, cụ thể.

Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo đó, tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét có ý kiến các Đoàn giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 bổ sung các nội dung giám sát chuyên sâu việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về: Hiệu quả, khai thác sử dụng các công trình, dự án sử dụng vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị, đầu tư dự án thuộc lĩnh vực y tế; Quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, ODA đối với việc đổi mới chương trình, biên soạn và xuất bản sách giáo khoa; Quản lý, sử dụng tiết kiệm năng lượng vào kế hoạch, đề cương giám sát của các Đoàn.

Đoàn giám sát cũng đề xuất Quốc hội xem xét tiếp tục thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong kế hoạch năm 2024, 2025, như: Giám sát quản lý, sử dụng đất đai, trọng tâm việc xử lý các dự án “treo”, đất đai hoang hóa, lãng phí, vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư; Việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học; Quản lý và sử dụng tài sản nhà đất công./.

Lê Anh

Các bài viết khác