GIÁM SÁT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ: KHÔNG DÁM ĐẤU THẦU THUỐC, VẬT TƯ Y TẾ... VÌ SỢ SAI

09/08/2022

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số địa phương khiến nhiều người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của Bảo hiểm y tế. Một trong những nguyên nhân là vướng mắc về cơ chế, chính sách trong đấu thầu tập trung ở các cơ cơ sở y tế tại trung ương và địa phương. Đây là vấn đề được thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội nêu trong buổi làm việc với Bộ Y tế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo thống kê của Bộ Y tế tại 34 Sở Y tế, 21 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 40/55 Sở Y tế và bệnh viện Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm cả một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền…

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số địa phương khiến nhiều người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của Bảo hiểm y tế.

Ngày 8/8/2022, báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị trong ngành y tế. Thậm chí, ngay cả khi một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Có những địa phương chỉ đấu thầu thuốc theo danh mục mà Bộ Y tế quy định cho địa phương mà không mở rộng danh mục. Những nguyên nhân này dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số tỉnh thành, khiến người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc bên ngoài dù đang khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập.

Báo cáo kết quả bước đầu rà soát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Y tế của Tổ công tác (Đoàn giám sát của Quốc hội) cũng cho thấy, nhiều địa phương lo lắng bị xử lý khi mua hóa chất cho các máy xét nghiệm do nếu không cẩn thận sẽ vi phạm quy định về đấu thầu; nhiều doanh nghiệp không thực hiện kê khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế nên công tác mua sắm thuốc còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, có tình trạng cơ sở y tế tư nhân có thể mua được trang thiết bị y tế cùng loại với giá cả hợp lý hơn, thấp hơn so với giá mà cơ sở y tế công lập phải mua sau khi áp dụng quy định đấu thầu. Điều này cho thấy, tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, chỉ định thầu, bán đấu giá, mua sắm tài sản công chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, phát biểu tại buổi giám sát, đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ Y tế giải trình rõ vì sao giá đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại khu vực công cao hơn ở khu vực tư, vướng ở cơ chế, chính sách nào dẫn tới tình trạng trên.

Ông Phạm Lương Sơn, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam gợi ý một số giải pháp nhằm tránh lãng phí trong đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư y tế.

Ông Phạm Lương Sơn, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội lý giải nguyên nhân khiến giá đấu thầu thuộc tại bệnh viện công cao hơn bệnh viện tư và tại sao không lấy giá đấu thầu thuốc ở bệnh viện tư nhân để so sánh giá đấu thầu thuốc ở bệnh viện công. Vì theo quy định tại Luật Đấu thầu và các thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện: “không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất được Bộ Y tế công bố trong vòng 12 tháng”. Đại biểu đặt câu hỏi, giá này đã bao gồm giá của khu vực tư nhân chưa, hay chỉ có giá của bệnh viện công? Bộ Y tế chỉ công bố giá trúng thầu của bệnh viện công, không có dữ liệu của hệ thống bệnh viện tư để công bố và tham khảo. Bởi thực tế, bệnh viện tư bỏ tiền túi ra mua thuốc nên sẽ tiến hành đàm phán để có được giá thuốc tốt nhất. Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, nếu Bộ Y tế cung cấp thông tin về giá trúng thầu tại bệnh viện tư và có cơ chế áp dụng theo mức giá này, đây cũng là một trong những gợi ý để Bộ Y tế tham khảo áp giá trúng thầu thuốc, vật tư y tế thấp nhất, góp phần thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

“Còn tình trạng xây dựng giá Kế hoạch cao hơn giá trúng thầu. Việc này trong đánh giá tiết kiệm đấu thầu nhưng Bộ Y tế cần rà soát lại khi xây dựng Kế hoạch giá cao hơn thì tiết kiệm từ việc đấu thầu này có thực chất không?”, ông Doãn Anh Thơ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đặt câu hỏi.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết nhiều địa phương phản ánh còn tình trạng khó khăn, bất cập khi thực hiện quy định liên quan trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế. Việc phê duyệt Kết quả trúng thầu 1 số loại thuốc chưa căn cứ vào giá chào thầu thấp nhất, mua vật tư ngoài thầu cao hơn giá trúng thầu; quy định đấu thầu thuốc tập trung có thời hạn khá dài từ 2-3 năm nên không phù hợp với thực tế.

“Tôi thấy quy định rất bất cập. Tại sao chúng ta quy định giá thuốc đấu thầu năm sau lại phải giảm hơn so với năm trước? Đây là một quy định rất phi lý khi mà chúng ta mong muốn thuốc chữa bệnh đạt chuẩn quốc tế”, ông Bùi Đặng Dũng nêu quan điểm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Đoàn giám sát của Quốc hội mong muốn lắng nghe những bất cập trong thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phó trong đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư y tế. Đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế phân tích rõ vướng mắc, có đề xuất cụ thể giải pháp khắc phục để tránh những sai phạm, lỗ hổng đáng tiếc thời gian qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết vấn đề này áp dụng theo Luật Đấu thầu và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, trong đó quy định việc đấu thầu căn cứ vào giá tại thời điểm mua sắm, nhưng việc mua sắm là cả một quá trình. Trước đây tiến hành đấu thầu thuốc và vật tư y tế nhưng không tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và không bị kỷ luật nhiều như thời gian qua. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định trên thực tế, nhiều địa phương và cơ sở y tế không dám làm một phần do cơ chế, chính sách chung chưa tạo ra cơ chế rõ ràng, minh bạch để triển khai trong thực tiễn. Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề này và đang làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát những quy định còn bất cập, vướng mắc trong chính sách, vướng ở đâu, luật nào, quy định nào, để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung phù hợp.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về một số vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng nêu bất cập liên quan đến đấu thầu thuốc đó là thuốc trúng thầu phải có giá rẻ nhất và giá trúng thầu thấp nhất sẽ được áp dụng làm giá kế hoạch cho năm sau, thuốc trúng thầu năm nay lại phải thấp hơn giá kế hoạch. Điều này có nghĩa là khi đấu thầu, giá thuốc mỗi năm phải rẻ hơn năm trước là điều không hợp lý. Đây là một cơ chế bất cập, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thuốc phục vụ khám chữa bệnh mà còn cản trở ngành công nghiệp dược trong nước phát triển bền vững.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: “Chúng tôi cũng thấy có một phần trách nhiệm của Bộ và đang giao cho Vụ Pháp chế sửa Thông tư 14,15 về đấu thầu thuốc, đấu thầu trang thiết bị y tế. Nếu cứ theo quy định hiện tại giá vật tư, trang thiết bị càng ngày càng đi xuống và dần dần về 0 thì các đơn vị chắc chắn không đấu thầu được và các doanh nghiệp chắc chắn cũng không tham gia đấu thầu”./.

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác