LÀM RÕ CƠ CHẾ CHỈ HUY, PHỐI HỢP ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THẢM HỌA

08/07/2022

Tiếp tục chương trình khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự, ngày 08/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã làm việc với tỉnh Đồng Tháp. Phòng thủ dân sự là hoạt động bao trùm các lĩnh vực đời sống xã hội, vì vậy vấn đề Đoàn quan tâm là mô hình hoạt động của Ban chỉ đạo, cơ chế chỉ huy, công tác phối hợp… để vừa phát huy hiệu quả đồng bộ, vừa tránh chồng chéo.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh khảo sát thực tế tại Trung đoàn 320, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp về phòng thủ dân sự

Toàn cảnh cuộc làm việc

Trong 5 năm qua, hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn đã được tỉnh Đồng Tháp triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tuy nhiên, đây là tỉnh đầu nguồn, hàng năm phải chịu ảnh hưởng thời tiết khí hậu bất thường. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng trong xử lý các tình huống còn bị động. Vì vậy, các thành viên Đoàn giám sát đã theo dõi, tìm hiểu mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở địa phương.

Chia sẻ về mô hình hoạt động, Thượng tá Hồ Sỹ Sáng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp cho biết, ủy viên Ban Chỉ đạo có 20 người, Thường trực Ban Chỉ đạo gồm có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh… Quyền hạn Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan đơn vị huy động lực lượng cho phòng thủ dân sự.

Phát biểu ý kiến, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong đặc thù dân sự là phải dự liệu trước những sự cố, thảm họa có nguy cơ thường xuyên phải đối mặt, định lượng trước để xác định mục tiêu và phương pháp phù hợp.

Giải trình với các thành viên Đoàn khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp có nhiều thiên tai như cháy, lũ, sạt lở, biến đổi khí hậu, hạn hán… Ứng phó kịp thời với thiên tai là một trong những vấn đề cần được dự liệu, tính toán và có phương án chủ động trong thời gian tới.

Trung bình mỗi năm tại tỉnh Đồng Tháp xảy ra hơn 40 vụ giông lốc. Trong 5 năm qua, còn hơn 100 vụ sạt lở bờ sông, sự cố tràn đê, 4 vụ cháy rừng... tổng thiệt hại là hàng trăm tỷ đồng. Qua ghi nhận thực tế, Đoàn khảo sát cũng tìm hiểu việc tổ chức lực lượng, triển khai xây dựng các công trình phòng thủ dân sự; nguồn lực, chính sách đầu tư cho công tác này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng phát biểu kết luận

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cho biết, Đoàn khảo sát tiếp thu các đề xuất của tỉnh, trong đó, cần việc xác định rõ các loại hình sự cố, thảm họa dân sự để chủ động ứng phó, trong phòng thủ dân sự cũng cần nghiên cứu xây dựng các cụm dân cư để vượt lũ, chống sói lở, thiên tai.

Khắc Phục