Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ đã tiến hành rà soát toàn bộ quy hoạch ngành công thương được cấp có thẩm quyền phê duyệt còn hiệu lực. Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát
Theo đó, Bộ Công Thương có 50 quy hoạch ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng tích hợp, ngoài ra có 59 quy hoạch phát triển cụm công nghiệp và 63 quy hoạch phát triển điện lực của các địa phương. Việc ban hành danh mục các quy hoạch thuộc đối tượng tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh ngoài việc làm căn cứ để các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 kế thừa, tích hợp trong quá trình lập quy hoạch, còn có mục đích để các quy hoạch này được tồn tại, tiếp tục thực hiện trong thời gian các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt đảm bảo tính liên tục công tác quản lý nhà nước bằng quy hoạch.
Việc Bộ Công Thương đã bãi bỏ 27 quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ 03 quy hoạch. Tuy nhiên, việc thay thế các quy hoạch bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phục vụ công tác quản lý nhà nước còn bất cập. Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở dự báo, cân đối cung cầu, bố trí không gian phát triển hợp lý, vừa đảm bảo định hướng thu hút đầu tư, vừa đảm bảo quản lý nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực. Trong khi đó tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chỉ là một trong những tiêu chí trong xây dựng quy hoạch, không thể thay thế hoàn toàn cho các quy hoạch. Vì vậy, để đảm bảo đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong bối cảnh bãi bỏ các quy hoạch, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai xây dựng Chiến lược phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng yếu như: ngành công nghiệp hoá chất, ngành thép, ngành dệt may, ngành công nghiệp ô tô.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu, Bộ Công thương bãi bỏ 3 quy hoạch và đề nghị Chính phủ bãi bỏ 27 quy hoạch sản phẩm dịch vụ, thay bằng các chiến lược tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhưng hiện nay chưa thấy việc bãi bỏ các quy hoạch ngành dịch vụ này của ngành công thương thì hệ thống văn bản hướng dẫn thay thế cho quản lý nhà nước đã bảo đảm chưa. Trong khi các tiêu chuẩn quy chuẩn chỉ là một trong các tiêu chí trong xây dựng quy hoạch, không thể thay thế hoàn toàn quy hoạch. Thời gian qua Bộ đã chủ động triển khai các chiến lược sản phẩm, để nghị cho biết trong quá trình thực hiện của Bộ có đáp ứng được yêu cầu.
Có cùng vấn đề quan tâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng việc bỏ một số quy hoạch ngành sản phẩm là đúng đắn, tuy nhiên, sau khi bỏ xong một số Bộ gặp lúng túng để tìm công cụ thay thế. Bộ Công thương cũng cho rằng quy chuẩn, tiêu chuẩn không thể thay thế hoàn toàn quy hoạch vì thiếu đi yếu tố cân đối cung cầu và bố trí không gian phát triển hợp lý. Đại biểu đề nghị có giải thích kỹ lưỡng nội dung này vì đây là vấn đề rất quan trọng.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu phát biểu tại buổi làm việc
Cùng với đó, đại biểu bày tỏ sự quan tâm giữa quá trình chuyển tiếp giữa luật quy hoạch cũ và công cụ mới, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đại biểu chỉ rõ có một số quy hoạch bỏ đi mang đến hiệu quả tích cực như là quy hoạch điểm xăng dầu, nhận được sự ủng hộ của các đơn vị kinh doanh. Mặt khác trong quá trình chuyển tiếp, đã bỏ quy hoạch cũ nhưng chưa có quy hoạch mới nên được tiếp tục áp dụng quy hoạch cũ, điều này liệu có những rủi ro, vậy cái nào nên chuyển tiếp không nên chuyển tiếp thay vì áp dụng chung giống nhau.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng việc bãi bỏ quy hoạch ngành sản phẩm dịch vụ là cần thiết nhưng không có nghĩa là bỏ hết tất cả. Bởi trong các quy hoạch của ngàng công thương liên quan nhiều đến thương mại sản phẩm chủ lực, công nghiệp lại thấy thiếu vắng.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành làm rõ, hiện nay chúng ta rất cần định hướng cho công nghiệp chế tạo, đây là nền tảng quan trọng cho nền sản xuất công nghiệp hay như vấn đề thương mại nhưng lại không thấy đề cập đến trong quy hoạch của Bộ. Do đó đề nghị Bộ lý giải thêm về sự phù hợp của việc loại bỏ các quy hoạch ngành sản phẩm. Mới đề cập đến các nền tảng xa nhưng các nền tảng gần tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp lại không có.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại buổi giám sát
Chia sẻ với nhiều vấn đề khó khăn còn tồn tại của nghành công thương vì là bộ đa ngành, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đặt câu hỏi tại sao không có quy hoạch phát triển công nghiệp và thương mại. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 5 nhiệm vụ quy hoạch của Bộ Công thường đều là quy hoạch ngành cụ thể nhưng lại không nói gì đến quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển thương mại. Để trở thành một nước công nghiệp phát triển thì mạng lưới công nghiệp cũng phải phát triển. Cùng với đó, thương mại, lưu thông hàng hóa từng được ví như một mặt trận và là khâu quan trọng thứ hai nhưng cũng không được đề cập cụ thể, việc tích hợp nội dung này vào quy hoạch tổng thể quốc gia như thế nào cũng chưa được nói đến. Tích hợp ở một ngành đã khó, tích hợp trong một bộ đa ngành càng khó hơn, song không thể vì đó không đề cập những vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhắc nhở.
Báo cáo làm rõ vấn đề Đoàn giám sát quan tâm về việc bãi bỏ 27 quy hoạch ngành công thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, thực chất đây là chuyển sang công cụ quản lý khác, từ quy hoạch bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chiến lược phát triển lĩnh vực. Ngành công thương hiện đã có đầy đủ chiến lược để định hướng phát triển các lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt những chiến lược phát triển công nghiệp, thương mại đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định./.