Chậm trễ ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch
Báo cáo Đoàn giám sát của của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Bộ đã chủ trì trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; tổ chức các cuộc họp, thảo luận về dự thảo Nghị định và lấy ý kiến góp ý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ tháng 02 năm 2018. Sau khi có kết quả thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 3255/TTr-BKHĐT ngày 18/5/2018 kèm theo hồ sơ Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch trình Chính phủ xem xét, ban hành và đã được 21/24 ý kiến thống nhất thông qua.
Tuy nhiên, do còn một số ý kiến khác nhau liên quan đến nội dung của Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 15 lần báo cáo bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đến ngày 07/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch
Cho biết về nguyên nhân ban hành Nghị định chậm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, việc xây dựng Nghị định vừa phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Quy hoạch vừa phải đảm bảo tránh xáo trộn trong công tác quản lý chuyên ngành, do vậy cần phải nghiên cứu các quy định chuyên ngành. Tuy nhiên, trước khi Luật Quy hoạch được ban hành, công tác quy hoạch được quy định ở rất nhiều văn bản pháp luật (101 luật và 85 Nghị định) nên việc nghiên cứu soạn thảo cần rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Nghị định được triển khai cùng thời điểm Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 52 luật, pháp lệnh để đồng bộ và có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 01/01/2019; do đó, quá trình soạn thảo đòi hỏi phải thống nhất với nội dung các luật, pháp lệnh đang sửa đổi, bổ sung với nội dung quy định trong Nghị định.
Ngoài ra, một số cơ quan phối hợp soạn thảo Nghị định vẫn giữ quan điểm về việc điều chỉnh nội dung của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia tại các luật chuyên ngành dẫn tới việc soạn thảo Nghị định phải lấy ý kiến nhiều lần mới đạt được sự đồng thuận của các Bộ có liên quan.
Nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chậm trễ ban hành Nghị định, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa dự báo được hết những nội dung sẽ có ý kiến khác nhau trong quá trình soạn thảo Nghị định. Đồng thời, các cơ quan phối hợp soạn thảo chưa kịp thời thay đổi tư duy trong quản lý nhà nước về quy hoạch theo các quy định mới của Luật Quy hoạch để đảm bảo sự thống nhất của pháp luật về quy hoạch cũng như sự đồng bộ của hệ thống quy hoạch.
Khâu tổ chức thực hiện chưa tốt
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu vấn đề: Theo báo cáo bổ sung của Bộ quá trình soạn thảo, ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch phải qua 15 lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân theo báo cáo là một số bộ còn giữ tư duy muốn quy định tại pháp luật chuyên ngành, trái với nguyên tắc sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội thông qua. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị báo cáo làm rõ cụ thể các Bộ, ngành nói trên và những nội dung cụ thể là gì? Có nội dung nào gây vướng mắc hiện nay không?
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại cuộc làm việc
Cũng liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một lý do được nhiều bộ, ngành, địa phương lý giải cho tình trạng lúng túng, vướng mắc trong triển khai lập các quy hoạch là do việc ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch quá chậm. “Nghị quyết số 11/NQ-CP về triển khai thi hành Luật Quy hoạch được Chính phủ ban hành ngày 5.2.2018, nhưng phải đến ngày 7.5.2019, tức là sau 14 tháng Nghị định 37 mới được ban hành. Về chất lượng, Nghị định này có nhiều quy định hướng dẫn việc quy hoạch theo phương pháp tích hợp, nhưng thực tế cho thấy các địa phương vẫn rất lúng túng...”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tễ cũng cho biết, khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia cũng được xây dựng rất chậm. Việc triển khai công tác quy hoạch theo phương pháp tích hợp, nếu không có định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia như thế nào thì ở cấp dưới sẽ bị lúng túng. Vì thế, tại Hội nghị ngày 19/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, thì phải có định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở triển khai lập các quy hoạch cấp dưới. Dẫu vậy, phải gần 6 tháng sau, tại hội nghị ngày 02/3 vừa qua, khung định hướng này mới được trình Chính phủ cho ý kiến.
Chưa đồng tình với nguyên nhân chậm ban hành Nghị định được nêu tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, khi trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế đã lường trước những vấn đề phức tạp, mất thời gian đó. Vì thế, Ủy ban Kinh tế đã tham mưu với Quốc hội quy định thời hạn có hiệu lực thi hành của Luật Quy hoạch dài hơn so với các luật khác (Luật Quy hoạch sau hơn 1 năm mới có hiệu lực thi hành). Điều này là để giúp Chính phủ, các bộ, ngành chức năng hoàn thiện tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình, thủ tục để khi Luật có hiệu lực là thực hiện được ngay. Trong khi đó, Nghị định 37 phải lấy ý kiến đến 15 lần mới đạt được sự đồng thuận, nhưng khi làm việc với Đoàn giám sát, các Bộ cũng phản ánh một số khó khăn, vướng mắc. Vậy chất lượng lấy ý kiến như thế nào? Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ nói chung chung là một số bộ, ngành vẫn theo tư duy cũ, vẫn muốn làm theo luật chuyên ngành. Vậy cụ thể là bộ, ngành nào, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo làm rõ vấn đề Đoàn giám sát nêu
Làm rõ vấn đề Đoàn giám sát nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho biết, Nghị định 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ đúng là ban hành chậm. Cũng theo Bộ trưởng, việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn là khởi đầu kéo theo hàng loạt các việc chậm trễ khác. Bộ trưởng cho rằng, nếu không có Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì “đúng là không biết lập quy hoạch nào trước, quy hoạch nào sau. Khi có Nghị quyết 751, chúng ta mới xử lý được câu chuyện lập song song, đồng thời các quy hoạch, sau đó tích hợp theo phương pháp xoáy ốc, đúng dần để tiệm cận đến bản quy hoạch tốt nhất. Quy hoạch cấp trên cứ làm, dựa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, dựa vào các định hướng, các quy hoạch thời kỳ trước và xu thế, tiềm năng thực tế, điều kiện cụ thể. Quy hoạch cấp dưới cũng căn cứ vào các định hướng, các quy hoạch trước đó…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, mặc dù có hạn chế nhưng đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện Luật Quy hoạch đến nay là "tương đối đầy đủ, tương đối đồng bộ". Chỉ ra nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch vừa qua, theo Bộ trưởng, trước hết là vấn đề nhận thức, sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu đối với công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, là tư duy không theo kịp, không tiếp cận được với phương pháp mới nên vẫn lúng túng. Thực tế là cùng một mặt bằng như vậy, điều kiện như vậy nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương đã làm được, nhiều bộ, ngành, địa phương lại không thực hiện được.
Nhấn mạnh khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, Bộ trưởng cho rằng, từ Chính phủ cho đến các bộ, ngành, địa phương, trong đó có cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có thể chưa theo kịp, chưa làm hết trách nhiệm. Với trách nhiệm là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chính phủ cũng đã rất quyết liệt trong tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch. Bộ trưởng tin tưởng, nếu tất cả cùng quyết tâm, tiến độ sẽ đáp ứng được. Cùng với đó, phải tiếp tục đôn đốc, điều phối, nâng cao nhận thức về công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị của tất cả các ngành, các cấp, đặc biệt là của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không vào cuộc với ý thức trách nhiệm cao thì không thể làm được.
Cụ thể trách nhiệm đối với từng bộ/ngành
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quy hoạch. Sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan soạn thảo trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành 73 luật, pháp lệnh đồng bộ với Luật Quy hoạch và ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định số 37, chủ trì soạn thảo các văn bản chi tiết, hướng dẫn để thi hành Luật quy hoạch. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia; chủ trì lập quy hoạch vùng đồng bằng Sông Cửu Long; thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua báo cáo của 5 bộ và nghiên cứu các báo cáo của các địa phương cho thấy các bộ và nhiều địa phương đề cập đến việc cần phải hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch; nghiên cứu để tiếp tục khắc phục việc chưa thống nhất giữa Luật Quy hoạch và một số Luật khác cũng như các qui định liên quan đến quy hoạch tại các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thực tế Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn có bất cập (không thể áp dụng điểm a khoản 1 điều 59, mục b khoản 1 Luật Quy hoạch; Luật và các văn bản hướng dẫn Luật chưa có phương pháp tích hợp cả tích hợp các hợp phần trong quy hoạch Quốc gia, cả việc tích hợp vào quy hoạch tỉnh là quy hoạch nhiều lĩnh vực, đa ngành được tích hợp từ nhiều quy hoạch; không có quy định về điều chỉnh cục bộ…); việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 là giải pháp tình thế không thì không thể thực hiện được Luật Quy hoạch. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo, đánh giá rõ hơn các bất cập này, chỉ rõ các bất cập này ảnh hưởng như thế nào đến tổ chức lập quy hoạch, chất lượng các quy hoạch; đánh giá tính khả thi và chất lượng của việc tích hợp quy hoạch cũng như giải pháp điều chỉnh, đồng bộ các quy hoạch; nghiêm túc đánh giá khách quan có cần sửa đổi Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn không và cụ thể là sửa đổi như thế nào để hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, về nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chậm ban hành các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới chỉ tập trung vào việc chậm trễ ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP là do phối hợp của một số Bộ ngành trong quá trình soạn thảo Nghị định chưa tốt và cơ quan soạn thảo chưa dự báo được các nội dung sẽ có ý kiến khác nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ và các cơ quan liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng thời, Bộ cần rà soát để báo cáo thêm về các văn bản khác chậm ban hành và nêu cụ thể hơn trách nhiệm, chỉ rõ bộ ngành, tổ chức, cá nhân nào làm chậm trễ việc ban hành văn bản; Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần rà soát xem còn thiếu các văn bản hướng dẫn không để có giải pháp hoàn thiện.
Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” đã kết thúc đợt làm việc trực tiếp với 6 Bộ (Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Thông qua các cuộc làm việc, nhiều vấn đề lớn trong công tác quy hoạch đã được gợi mở, nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, khoa học. Theo chương trình dự kiến, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với một số tỉnh/thành phố để có thêm căn cứ, thông tin, chỉ rõ những bất cập/hạn chế; nhằm tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các quy hoạch./.