Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2006-2013, với số vốn được cấp hơn 45,6 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đầu tư trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp một số di tích cấp quốc gia tiêu biểu.
Ngoài ra, tỉnh đã tiến hành thực hiện công tác khảo sát và kiểm kê các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại 6 huyện, thị; thực hiện 9 đề tài văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng.
Hàng năm, tỉnh dành một phần ngân sách địa phương kết hợp với kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa thực hiện nhiều dự án trùng tu, tôn tạo các di tích cấp quốc gia như chùa Khleang, đình Hòa Tú, trường Taberd, khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông, chùa Mahatup, với tổng kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Đối với di tích cấp tỉnh, các địa phương chỉ thực hiện đầu tư tôn tạo được một số di tích lịch sử cách mạng từ ngân sách tỉnh.
Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được gần 11.800 hiện vật do nhân dân hiến tặng. Hiện Bảo tàng tỉnh có nhà trưng bày văn hóa Khmer và phòng trưng bày văn hóa ba dân tộc Kinh-Khmer-Hoa, mở cửa hàng ngày.
Đối với cấp huyện, có 6/11 huyện đã có Nhà truyền thống. Sóc Trăng hiện có 34 di tích đã được xếp hạng (8 di tích cấp quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh). Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được Sóc Trăng thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, không kéo dài ngày và diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Nhiều điểm di tích đã có sự đầu tư tôn tạo, tu sửa, xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp, thuận tiện cho du khách tham quan. Về quan hệ quốc tế trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tỉnh được Quỹ hỗ trợ Văn hóa vùng và dân tộc ít người (Đan Mạch) tài trợ từ năm 2008-2010 thực hiện 35 dự án với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát của Quốc hội đã có nhiều ý kiến xoay quanh các nội dung loại hình khu di tích nên có hướng dẫn quản lý riêng; danh mục di tích; quản lý và khai thác di tích; trùng tu, nâng cấp các di sản cấp quốc gia; phân cấp quản lý di sản, an ninh văn hóa, quy hoạch tổng thể di sản...
Đại diện tỉnh đã giải trình các vấn đề đoàn giám sát đặt ra, đồng thời kiến nghị Trung ương cần có văn bản hướng dẫn việc phân cấp quản lý di tích để việc quản lý di tích được thuận lợi.
Tỉnh cũng kiến nghị hàng năm, Chính phủ dành một khoản kinh phí thỏa đáng ưu tiên cho tỉnh nghèo như Sóc Trăng để đầu tư cho công tác quy hoạch khoanh vùng, cắm mốc và xếp hạng di tích cũng như trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, hỗ trợ kinh phí cho địa phương và tạo cơ chế thuận lợi để tiến hành sưu tầm, mua lại những hiện vật đặc biệt, tiêu biểu có giá trị cao để sử dụng trưng bày tại bảo tàng và cũng nhằm tránh nguy cơ "chảy máu" cổ vật ra bên ngoài.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Hoàng Thị Hoa cho rằng, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, Sóc Trăng đã quan tâm thực hiện Luật Di sản văn hóa và có nhiều cố gắng trong quản lý di sản.
Tuy nhiên, một số di tích đã xuống cấp và cần phải quản lý chặt chẽ hơn. Đặc biệt với khu di tích nghệ thuật quốc gia chùa Mahatup (chùa Dơi) tại Sóc Trăng còn quá ít, cần có giải pháp để bảo vệ đàn dơi của chùa.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch khu dành riêng cho việc xây dựng các tháp để tro cốt trong khuôn viên các chùa; việc quản lý, khoanh vùng các di tích chưa được xếp hạng cần được quan tâm. Đối với các kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ trao đổi, kiến nghị lại với các Bộ, ngành hữu quan...
Cũng trong chuyến làm việc tại Sóc Trăng, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, có các chuyến khảo sát thực địa tại một số di tích văn hóa như chùa Dơi, chùa Khleang, chùa Đất Sét... tại thành phố Sóc Trăng./.