Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc tại Ninh Bình

26/03/2013

Ngày 25 - 27.3, Đoàn giám sát của UBTVQH về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình và khảo sát tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, toàn tỉnh hiện có 319 cơ sở giáo dục phổ thông, với 139.614 học sinh, trong đó có 150 trường tiểu học, 142 trường THCS, 27 trường THPT. Nhìn chung, mỗi xã, phường, thị trấn đều có một trường tiểu học, các xã nông thôn có một trường THCS, mỗi huyện, thị xã, thành phố có 2 - 4 trường THPT. Về loại hình, toàn tỉnh có 2 trường THPT chuyên biệt, 1 trường THPT bán công, 1 trường THPT tư thục, 2 trường THPT dân lập; các trường còn lại thuộc loại hình trường công lập. Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở GD - ĐT tiếp tục tham mưu để chuyển đổi loại hình trường THPT bán công, dân lập còn lại theo quy định của Luật Giáo dục, hoàn thành chậm nhất vào năm 2014; chỉ đạo xây dựng Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020 bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, trình HĐND tỉnh quyết định... Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp toàn tỉnh đạt 82,6%; số lượng trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học là 331 trường, đạt 70,6%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của Ninh Bình cao hơn tỷ lệ chung cả nước, đạt từ 98,66% đến trên 99%. Kết quả học sinh thi đỗ đại học của tỉnh nhiều năm qua giữ ổn định trong top 10 cả nước...

Tuy nhiên, quy mô các trường THCS bất cập, nhiều trường có số lớp quá ít, vừa gây lãng phí, vừa không bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Cơ cấu, chủng loại giáo viên tiểu học, THCS không đồng bộ, thừa về số lượng nhưng thiếu về chủng loại. Khoảng cách giữa giáo dục vùng núi, vùng sâu, vùng xa với giáo dục thành phố, thị xã, thị trấn còn lớn. Chưa đủ phòng học để đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày, thiếu phòng học bộ môn, phòng vi tính, phòng thực hành, phòng thiết bị, phòng đa năng... Một số trường chưa đủ diện tích khuôn viên tối thiểu; một số trường chuẩn quốc gia đã xuống cấp nhưng chậm được tu bổ. Việc tổ chức phân ban chưa hợp lý nên đến thời điểm này, học sinh cấp THPT tỉnh Ninh Bình lựa chọn chủ yếu Ban Cơ bản, chỉ có 7 trường có Ban Khoa học tự nhiên, không có Ban Khoa học xã hội.

Ninh Bình đề nghị Quốc hội và Chính phủ tăng cường đầu tư cho giáo dục vùng nông thôn, vùng khó khăn; có chế độ tiền lương thỏa đáng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2015; nâng mức đầu tư kinh phí cho giáo dục để có điều kiện tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, đáp ứng yêu cầu phát triển. Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, đại diện lãnh đạo Sở GD - ĐT Ninh Bình cho rằng, nên có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng trước khi triển khai. Nên có một bộ chương trình chuẩn chung cho cả nước, trong đó dành thời lượng nhất định cho phần giáo dục địa phương, phù hợp với đối tượng học ở các vùng, miền...

Đánh giá cao thành tựu giáo dục của Ninh Bình thời gian qua, từ thực tiễn ở địa phương, Đoàn giám sát đề nghị tỉnh cho ý kiến cụ thể về một số nội dung như: thời gian và cơ cấu bậc học của hệ thống giáo dục phổ thông; việc thực hiện phân ban, phân luồng sau THCS; quản lý dạy thêm, học thêm... Đoàn giám sát cũng đề nghị Ninh Bình xem xét tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực giáo dục chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Ng. Anh

(http://www.daibieunhandan.vn)