UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, kể từ khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực đến 30/6/2012, tỉnh Hà Tĩnh có 696/100.213 quyết định hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại. Nội dung khiếu nại tập trung vào các vấn đề cấp và thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất. Nội dung của các tố cáo liên quan đến việc cán bộ chuyên môn làm trái quy định, chậm giải quyết hoặc thiếu năng lực trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai và việc giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Hà Tĩnh có 10/76 quyết định xử phạt hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại, tập trung vào những hành vi chủ yếu như ban hành quyết định xử phạt sai đối tượng, sai tên chủ sử dụng đất; hình thức xử phạt quá nặng hoặc quá nhẹ so với nội dung vi phạm. Ngoài ra, toàn tỉnh có 86/395 quyết định hành chính trong giải quyết tranh chấp đất đai bị khiếu nại, tập trung vào các vấn đề giải quyết tranh chấp đòi lại đất cũ, giải quyết tranh chấp ranh giới sử dụng đất, giải quyết tranh chấp nhà đất cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ… Qua thanh tra, kiểm tra, rà soát sử dụng đất, Hà Tĩnh đã xử lý, thu hồi đất của 135 tổ chức với diện tích 25.130,3 ha giao lại cho các địa phương, tổ chức và hộ gia đình.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết KNTC chủ yếu do Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật nhiều nhưng tính ổn định và đồng bộ chưa cao. Một số văn bản bản ban hành chưa kịp tổ chức thực hiện đã có văn bản khác sửa đổi, bổ sung gây xáo trộn và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là các văn bản quy định về bồi thường, hỗ trợ giá trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Luật Đất đai hiện hành và các văn bản hiện hành chưa giải thích rõ ràng, chưa lượng hóa cụ thể những quan hệ được cho là tranh chấp đất đai nên cơ quan quản lý khó xác định thụ lý theo trình tự giải quyết tranh chấp đai hay trình tự giải quyết khiếu nại về đất đai. Việc quy định thẩm quyền giải quyết KNTC trong Luật Đất đai 2003 và Luật Khiếu nại, tố cáo 2011 còn có nhiều chồng chéo, bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh giải trình rõ xung quanh các số liệu về quá trình giải quyết các KNTC về các quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai. Qua yêu cầu của Đoàn giám sát, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã làm rõ những nguyên nhân của tình trạng KNTC hiện nay. Theo đó, quản lý đất đai trước đây chưa chặt chẽ, có tính lịch sử, nhất là trong trưng dụng, trưng thu, trưng mua, giao đất, thu hồi đất; việc cho thuê, cho mượn, cầm cố đất trong nhân dân; việc đưa đất đai, lao động vào các tập đoàn sản xuất, các nông lâm trường. Hà Tĩnh là tỉnh đang diễn ra tốc độ công nghiệp hóa mạnh thời gian gần đây với nhiều dự án, chương trình đầu tư nên công tác thu hồi đất, di dân, bồi thường giải phóng mặt bằng được triển khai nhiều kéo theo sự biến động giá đất cũng như một số sai sót. Ngoài ra, hồ sơ địa chính và các tài liệu về quản lý đất đai chưa được thiết lập đầy đủ, thống nhất. Phần lớn các địa phương trong tỉnh đang dùng bản đồ đo đạc từ những năm 1980 có độ chính xác thấp, lưu lập không đầy đủ, nhiều biến động về đất đai không được chỉnh lý, gây khó khăn trong tra cứu giải quyết và gây ra KNTC. Giống như các địa phương khác, Hà Tĩnh cũng tồn tại các nguyên nhân phát sinh khiếu kiện do chênh lệch giá đất đền bù, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân chưa đúng, sự phối hợp giữa các cấp ngành, các tổ chức đoàn thể chưa đồng bộ, trình độ nhân lực giải quyết công việc chưa đồng đều.
Qua chất vấn của các thành viên Đoàn giám sát, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã làm rõ nhiều vấn đề như tỷ lệ đúng sai trong các đơn thư KNTC đã giải quyết; số lượng và kết quả giải quyết các vụ KNTC đất đai liên quan đến đông người; tình hình quy hoạch, công tác thực hiện tái định cư cho người dân bị thu hồi đất; thực trạng giải quyết các tranh chấp đất đai tại tòa án địa phương; tiến độ thực hiện các quy hoạch về đất đai địa phương và tỷ lệ lấp đầy của các dự án, các khu, cụm công nghiệp; công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, Hà Tĩnh cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư khi thu hồi đất, đặc biệt là công tác đối thoại với người dân bị thu hồi đất.
Đoàn giám sát đã ghi nhận một số kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh xung quanh chính sách về đất đai. Cụ thể, Hà Tĩnh đề nghị QH sớm sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn theo hướng đồng bộ, thống nhất với các văn bản luật có liên quan về thẩm quyền, trình tự thủ tục, thời gian, thời hiệu, chế tài xử lý… trong giải quyết KNTC và tranh chấp đất đai; nhóm về một đầu mối giải quyết đối với các tranh chấp đất đai, tranh chấp tài sản gắn liền với đất; khắc phục những vướng mắc giữa lý luận và thực tiễn về sở hữu đất đai, giá đất, vấn đề thu hồi đất, bồi thường thiệt hại về đất khi thu hồi. Đáng chú ý, Hà Tĩnh đề nghị cần đầu tư xây dựng hồ sơ địa chính kỹ thuật số bảo đảm sự thống nhất chung trong toàn quốc. Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng của bộ máy và quá trình thực hiện, giám sát quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương.
+ Chiều cùng ngày, Tổ công tác số 2, Đoàn giám sát của UBTVQH đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai tại TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.