Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh, sau khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, tỉnh đã ban hành 1.496 quyết định hành chính về đất đai; thu hồi, giao, cho thuê và chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 32.500ha. Số vụ KNTC về đất đai hàng năm không nhiều nhưng diễn biến phức tạp, tính chất gay gắt, chủ yếu liên quan đến bồi thường, giải tỏa. Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh có 2.076 vụ KNTC của công dân đối với quyết định hành chính về đất đai. Một số vụ việc đã phát sinh thành khiếu kiện đông người, như Dự án Khu Liên hợp Công nghiệp – đô thị - dịch vụ Phước Đông – Bời Lời. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo giải quyết nhưng chưa dứt điểm do hồ sơ chứng cứ không đầy đủ; chính sách, pháp luật về đất đai thay đổi; quan điểm áp dụng pháp luật đối với một số vụ việc còn chưa thống nhất. Sự hiểu biết pháp luật của một số cán bộ làm công tác giải quyết KNTC còn hạn chế, dẫn đến việc vận dụng pháp luật không đúng quy định. Đặc biệt, chênh lệch giữa giá đất thị trường và khung giá Nhà nước quy định được tỉnh đánh giá là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện trên địa bàn.
UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, vấn đề mang tính quyết định trong giải quyết KNTC về đất đai là vai trò, sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể và giải quyết hài hòa quyền lợi giữa nhà nước, nhà đầu tư và công dân. Tỉnh kiến nghị QH sửa đổi, bổ sung Điều 37, Điều 44 Luật Đất đai về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất cho phù hợp với thẩm quyền giải quyết KNTC theo Luật KNTC năm 2011. Nghị định 69/2009/NĐ-CP cần được sửa đổi theo hướng: quy định rõ khi thu hồi đất thì phải bồi thường theo giá thị trường ở khu vực tại thời điểm có quyết định thu hồi đất; không nên quy định hỗ trợ thêm từ 1,5 – 5 lần mà nên quy định hỗ trợ thêm 20% hoặc 50% tổng số tiền bồi thường...
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh đã bám sát đề cương nhưng cần tiếp tục hoàn chỉnh. Ngoài việc bổ sung những đặc điểm KT – XH, vì đây là yếu tố quan trọng tác động vào việc ban hành các chính sách đất đai, Tây Ninh cần đánh giá sâu hơn việc ban hành chính sách, pháp luật của địa phương trong thời gian qua. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế yêu cầu tỉnh phân loại tỷ lệ đơn KNTC đúng, có đúng có sai, hoặc sai; làm rõ kết quả phục hồi quyền lợi của người dân khi họ KNTC đúng; nêu kết quả xử lý những cán bộ vi phạm trong lĩnh vực này; đồng thời bổ sung những đánh giá về chất lượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hòa giải cơ sở. Phần kiến nghị, tỉnh nên đi thẳng vào những vấn đề cần điều chỉnh trong Luật Đất đai, Luật KNTC, Luật Tố tụng hành chính; những kiến nghị liên quan đến giá đất, khung giá đất phải cụ thể và thuyết phục.
+ Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát làm việc với huyện Châu Thành, Tây Ninh về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết KNTC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn.