Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội thảo.
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng đoàn giám sát Phan Xuân Dũng; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Tài chính...
Thực hiện Nghị quyết của QH, đến nay Đoàn giám sát của UBTVQH đã tổ chức giám sát tại 13 địa phương; khảo sát tại 58 khu vực khai thác mỏ của nhiều doanh nghiệp trên cả nước; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo. Đoàn giám sát đã yêu cầu Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức giám sát độc lập các hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đã có 63 tỉnh và 44 Đoàn ĐBQH gửi báo cáo tới Đoàn giám sát.
Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, từ khi có Luật Khoáng sản năm 1996 đến nay, đã có 217 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Trung ương được ban hành, 552 văn bản QPPL thuộc thẩm quyền cấp tỉnh ban hành. Đặc biệt, trong số các văn bản QPPL trên thì có đến 143 văn bản quản lý khoáng sản; 37 văn bản thuộc lĩnh vực môi trường, tạo điều kiện pháp lý cho công tác quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản còn bộc lộ không ít hạn chế. Một số quy định về thuế tài nguyên và quy định cấp các loại giấy phép chưa thực sự hợp lý gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản lạc hậu; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp khai khoáng về số lượng và chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững. Đặc biệt, lợi ích từ việc khai thác khoáng sản dường như chủ yếu thuộc về các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; còn lợi ích quốc gia, lợi ích chính quyền, người dân thì chẳng đáng là bao nhiêu, thậm chí phải gánh chịu hậu quả về ô nhiễm môi trường...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo đánh giá của Đoàn giám sát, là do công tác xây dựng, ban hành các văn bản QPPL về khoáng sản và bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Một số văn bản QPPL về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, ngân sách còn nhiều vướng mắc, hạn chế, thiếu đồng bộ. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; trình độ, năng lực, công nghệ quản lý của cán bộ còn yếu và lạc hậu; thiếu cơ chế gắn kết, lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và quản lý nguồn lực khoáng sản chưa cao. Hiện nay, việc quản lý, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường đã được phân cấp mạnh về địa phương, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý vi phạm trong các hoạt động này chưa thường xuyên...
Các đại biểu tham dự Hội thảo cơ bản nhất trí với các đánh giá trong Dự thảo Báo cáo kết quả của Đoàn giám sát; cho rằng, thời gian qua hệ thống chính sách, văn bản QPPL về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường được ban hành khá nhiều, song chất lượng văn bản chưa cao, chưa bảo đảm tính thống nhất và còn thiếu tính khả thi.
Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu; cho rằng, thông qua thảo luận, các ý kiến đang đi dần đến sự thống nhất về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác hiệu quả khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở để Đoàn giám sát của UBTVQH tổng hợp, chắt lọc, bổ sung hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình UBTVQH xem xét, quyết định trong Phiên họp tháng 8 tới đây.