Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều công trình cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị được chú trọng, từ 2004 - 2011, TP đã thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng 12.655,3 ha đất cho 1.556 dự án. Quá trình đó đã mang lại nhiều lợi ích chung cho cộng đồng, nhưng cũng không tránh khỏi phát sinh KNTC về đất đai. Trước tình hình này, TP đã ban hành nhiều văn bản nhằm phân công trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện trong giải quyết KNTC; thành lập Văn phòng Tiếp công dân - chuyên trách tham mưu cho UBND TP tiếp công dân để giải quyết KNTC; ban hành chính sách, quy định chuyên đề về tái định cư, hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm... nhằm hạn chế khiếu kiện. TP Hồ Chí Minh còn vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật theo hướng có lợi cho người dân để người bị thu hồi đất được nhận mức bồi thường, hỗ trợ phù hợp.
Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2004 - 2011, TP Hồ Chí Minh ban hành 31.341 quyết định hành chính trong quản lý đất đai, trong số này, 5.059 quyết định bị KNTC và TP đã giải quyết 71,1% tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1.364, trong đó, 18 quyết định bị KNTC, đã giải quyết 66,6%; tổng số quyết định hành chính về tranh chấp đất đai là 2.663, trong đó 1.357 quyết định bị KNTC, đã giải quyết 63,3%. Đơn KNTC tập trung ở các quận, huyện ngoại thành có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao; chủ yếu về bồi thường, tái định cư. Qua xem xét, phần lớn các nội dung tố cáo là không có cơ sở. Tình trạng khiếu nại đông người thời gian qua đã giảm. Cho rằng, công tác giải quyết KNTC đã được thực hiện nghiêm túc, song UBND TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận tình trạng đơn khiếu nại tồn đọng quá hạn chưa được khắc phục; một số nơi thực hiện đối thoại chưa chất lượng; hòa giải cơ sở chưa được quan tâm đúng mức.
UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị thời gian áp dụng bảng giá đất do Nhà nước ban hành ổn định trong 5 năm, hàng năm chỉ điều chỉnh cục bộ cho những khu vực có biến động lớn về giá. Bảng giá đất được áp dụng cho các mục đích, với trường hợp bồi thường thì nhân thêm hệ số điều chỉnh để bình quân với giá thị trường tại khu vực và thời điểm thu hồi đất. TP cũng đề nghị áp dụng nguyên tắc bồi thường đất nông nghiệp quy đổi theo tỷ lệ phần trăm đất ở.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh đã bám sát đề cương giám sát, đánh giá sâu đặc điểm, tình hình KT - XH và quá trình CNH - HĐH, đô thị hóa, tuy nhiên, cần phân tích rõ thêm những đặc thù của TP, bởi những đặc thù này đòi hỏi những chính sách đặc thù. Việc thực hiện chính sách đất đai thời gian qua đã góp phần thúc đẩy hiệu quả quá trình CNH - HĐH, đô thị hóa, điều này cần được khẳng định rõ trong báo cáo của UBND TP. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, quá trình tổ chức thực hiện, TP đã có nhiều sáng tạo để khai thác nguồn lực, bảo đảm an ninh; đề nghị TP rút ra những bài học kinh nghiệm; phân tích sâu các số liệu, trong đó lưu ý đánh giá từ 2003 - 2011, sự thay đổi các văn bản luật trong lĩnh vực này đã mang đến những kết quả gì, có phù hợp hay không? Đồng thời đề xuất cụ thể những văn bản, điều khoản cần sửa đổi; phân tích làm rõ những đề xuất mới của TP trong lĩnh vực này có giá trị thúc đẩy sự phát triển của TP như thế nào?
+ Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của UBTVQH đã làm việc với UBND Quận 7, TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết KNTC đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn.