Theo Báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của QH, với kết quả chín tháng và xu hướng ba tháng còn lại của năm 2013, nền kinh tế nước ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là "tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012" và "bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội"; dự kiến có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chín tháng ước đạt 5,14%, dự báo cả năm tăng 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế năm 2012 (5,25%) và là mức tăng hợp lý; kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn. Xuất khẩu tiếp tục tăng ở mức cao khoảng 15,7%. Trong lúc cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn cố gắng thực hiện tăng lương tối thiểu; miễn, giảm, giãn thuế và một số khoản thu ngân sách khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân theo Nghị quyết Quốc hội. Tổ chức cứu trợ tương đối kịp thời và khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra. Các chính sách giảm nghèo được quan tâm thực hiện và triển khai đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm. Cơ chế, chính sách ưu đãi người có công tiếp tục được hoàn thiện. Lộ trình tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế được đẩy nhanh.
Giá một số hàng hóa, dịch vụ công do Nhà nước quản lý từng bước điều chỉnh, hạn chế gây bất lợi cho nền kinh tế. Việc quản lý giá thuốc chữa bệnh được triển khai quyết liệt. Công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ. An ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tiềm lực quốc phòng tiếp tục được tăng cường.
Qua thảo luận, một số ý kiến cho rằng, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối diện với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong một, hai năm tới. Lạm phát giảm, nhập khẩu giảm, nhập siêu không đáng kể nhưng không phải là tín hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ba năm 2011-2013 dự kiến chỉ đạt 5,6%/năm, ở mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5-7%). Do vậy, cần có sự nỗ lực hơn nữa để có thể hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của QH về Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.
Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, nhiều ý kiến cho rằng, theo dự báo, mặc dù thị trường tài chính toàn cầu đang hồi phục nhưng triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 khu vực sản xuất sẽ còn trì trệ, các hoạt động đầu tư và thương mại chưa lấy được đà tăng trưởng tốc độ cao trở lại. Điều này sẽ có tác động không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế -xã hội trong nước. Với những hạn chế, khó khăn của ba năm 2011 - 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ không cao hơn nhiều. Lạm phát năm 2014 cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn nếu như có biến động mạnh trong điều hành chính sách vĩ mô, nhất là khi điều chỉnh tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tiền lương, giá điện, than và dịch vụ công.