Ủy ban cũng cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015); kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và năm 2015; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến hết năm 2015.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự phiên họp.
Theo Báo cáo của Chính phủ và qua giám sát, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, với kết quả 9 tháng và xu hướng 3 tháng còn lại của năm 2013 nền kinh tế nước ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”; dự kiến có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng ước đạt 5,14%, dự báo cả năm tăng 5,4%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế năm 2012 (5,25%) và là mức tăng hợp lý; tạo việc làm mới xấp xỉ đạt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn. Xuất khẩu tiếp tục tăng ở mức cao khoảng 15,7%, ước cả năm 2013 nhập siêu khoảng 500 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; cán cân thương mại cải thiện cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tăng tạo cán cân thanh toán tổng thể thặng dư lớn, tăng ngoại tệ dự trữ ngoại hối, tạo sự ổn định tỷ giá khá vững chắc. Thị trường tài chính ổn định hơn; mặt bằng lãi suất đã giảm từ 2-5 % so với đầu năm, trong đó lãi suất huy động đã giảm 2-3%, lãi suất cho vay giảm 3-5%.
Cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn cố gắng thực hiện tăng lương tối thiểu; miễn, giảm, giãn thuế và một số khoản thu ngân sách khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn có xu hướng tăng; hơn 60 nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động; việc tiếp cận vốn tín dụng đối với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Năm 2013, dự kiến sẽ hụt thu khoảng 21.000 tỷ đồng so với dự toán. Tình hình xã hội, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Đánh giá chung của Chính phủ, nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo đà tăng trường cho những tháng cuối năm 2013 và năm 2014.
Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của tình hình kinh tế-xã hội đất nước năm qua, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù có cao hơn năm trước nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản.
Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán phục hồi chậm…Xây dựng nông thôn mới còn chậm; chất lượng giáo dục đào tạo được cải thiện chưa rõ nét, tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp…
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2014, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mặc dù thị trường tài chính toàn cầu đang hồi phục nhưng triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 khu vực sản xuất sẽ còn trì trệ, các hoạt động đầu tư và thương mại chưa lấy được đà tăng trưởng tốc độ cao trở lại.
Về mục tiêu tổng quát, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế cho rằng, định hướng chính sách tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là đúng đắn, các chỉ tiêu đề ra là phù hợp và việc tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp khó khăn như vừa qua là cái giá phải trả trong ngắn hạn để có một nền tảng vĩ mô ổn định vững chắc làm tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn; ổn định vĩ mô phải kiên trì, nhất quán và phục hồi tăng trưởng không thể vội vã nếu không sẽ đánh mất toàn bộ thành quả đạt được trong 3 năm vừa qua.
Do vậy, cần kiên trì tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng ở mức hợp lý trên cơ sở tính toán, hài hòa liều lượng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; cải thiện cơ cấu chi để tăng chi đầu tư phát triển cả về tỷ trọng và số tuyệt đối gắn với tăng tính hiệu quả; hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, chưa nên đặt mục tiêu phục hồi nhịp độ tăng trưởng.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ nên ở khoảng 5,5% sẽ là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30-31% GDP; tăng tín dụng ở mức 14-15%; đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%.
Một số ý kiến khác cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ dự kiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 13-15% so với ước thực hiện năm 2013, nhập siêu tiếp tục duy trì ở mức hiện nay; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về các nội dung trên và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu thầu (sửa đổi)./.