Tính đến cuối năm 2012, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) mới chỉ đạt khoảng 10,577 triệu người (trong đó có 10,437 triệu người tham gia BHXH bắt buộc) và khoảng 0,14 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Nhìn chung, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện còn thấp, mới chỉ chiếm khoảng 20% lực lượng lao động (LLLĐ). Điều này có nghĩa là trong tương lai, nước ta sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi về hưu không có thu nhập từ lương hưu. Gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, với việc phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người nghỉ hưu mà không có lương hưu. Chỉ tính riêng năm 2011, Nhà nước đã phải chi 2.954 tỷ đồng trợ cấp cho hơn 1,3 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Do vậy, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, theo các đại biểu dự Tọa đàm, phải được xem là ưu tiên hàng đầu của chính sách BHXH với mục tiêu tỷ lệ người lao động tham gia BHXH đến năm 2015 là khoảng 18% dân số, chiếm 33% lực lượng lao động; năm 2020 đạt khoảng 29% dân số, chiếm 50% lực lượng lao động. Nhấn mạnh, việc đạt được mục tiêu này là rất khó khăn và có nhiều thách thức, các đại biểu cũng nêu rõ, phải có lộ trình thực hiện mở rộng đối tượng với chỉ tiêu theo từng năm và đồng thời phải thực hiện sửa đổi, bổ sung nhiều chế độ BHXH cả bắt buộc và tự nguyện để chính sách này hấp dẫn hơn với người lao động ở cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Bên cạnh đó, cũng cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, tháng 5.2014). Hiện nay, nước ta đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nên việc cải thiện các chỉ số an sinh xã hội, trong đó có việc mở rộng đối tượng và tăng cường tính bền vững của hệ thống BHXH có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, việc bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu cải cách chính sách BHXH (theo hướng bảo đảm cân đối quỹ) với mục tiêu mở rộng đối tượng người lao động tham gia gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc thực hiện chính sách này; đồng thời cần tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH thời gian qua để có phương án sửa đổi hợp lý và có tính khả thi cao.