Việt Nam và Nam Phi tăng hợp tác lĩnh vực tư pháp

30/09/2013

Trong các ngày từ 22-27/9, Đoàn Ủy ban tư pháp Quốc hội Việt Nam do ông Nguyễn Văn Hiện, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, làm trưởng đoàn, đã thăm làm việc tại Cộng hòa Nam Phi nhằm trao đổi thông tin, tìm hiểu kinh nghiệm và khả năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tư pháp. Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Nam Phi Lê Huy Hoàng cũng đã tham dự các hoạt động của đoàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện gặp Thứ trưởng Bộ Tư pháp và

Phát triển Hiến pháp Nam Phi John Jefferey. (Ảnh: Nguyễn Đức/Vietnam+)

Tại Thủ đô hành pháp Pretoria, Đoàn đã gặp Thứ trưởng Bộ Tư pháp và Phát triển Hiến pháp Nam Phi John Jefferey và các cộng sự; làm việc với Viện công tố, Tòa án và Cơ quan cảnh sát điều tra Nam Phi về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng như các vấn đề đặt ra trong quá trình cải cách, hoàn thiện hệ thống tư pháp.

Thứ trưởng Jefferey đã nhiệt liệt hoan nghênh chuyến thăm và làm việc tại Nam Phi của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, coi đó là hoạt động nhằm góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị không chỉ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Nam Phi mà giữa nhân dân hai nước, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực lập pháp và tư pháp.

Tại Thủ đô lập pháp Cape Town, đoàn đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Phát triển Hiến pháp Nam Phi Luwellyn Landers và các cộng sự; làm việc với một số ủy ban tương ứng của Hạ viện Nam Phi, Viện công tố thành phố Cape Town để tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp, xây dựng pháp luật, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, hoạt động lập pháp và giám sát tại các ủy ban của Quốc hội.

Qua các buổi làm việc, đoàn đã thu thập được nhiều kinh nghiệm bổ ích, đặc biệt là những kinh nghiệm trong các hoạt động tương đồng, như xây dựng cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban tư pháp; thẩm tra các dự án luật do Chính phủ đệ trình hoặc do các đại biểu của Ủy ban đệ trình; giám sát hoạt động của các cơ quan điều tra, công tố, tòa án...

Ngoài ra, đoàn còn tìm hiểu các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Toà án Hiến pháp, chức năng cơ bản của Bộ Tư pháp; tổ chức và hoạt động của Viện công tố, Toà án, Cơ quan điều tra; kinh nghiệm điều tra tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng; kinh nghiệm soạn thảo, xây dựng, thẩm tra và thông qua các dự án luật; kinh nghiệm giám sát của các ủy ban của Quốc hội và những vấn đề đặt ra trong quá trình phòng, chống tội phạm.

Trong thời gian ở thăm, đoàn đã có buổi làm việc với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi./.

 

(http://www.vietnamplus.vn/)