Dự thảo Luật bao gồm 19 chương và 160 điều, tăng thêm 4 chương và 24 điều so với Luật hiện hành. Dự thảo đã mở rộng phạm vi không gian áp dụng của Luật, không chỉ trên lãnh thổ mà còn trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; mở rộng khái niệm về môi trường; bổ sung thêm nguyên tắc coi bảo vệ môi trường là lĩnh vực được ưu tiên; làm rõ hơn một số nội dung bị nghiêm cấm trong bảo vệ môi trường.
Các đại biểu đánh giá, về cơ bản dự thảo Luật đã thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát bổ sung vào dự thảo những nội dung được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn; bổ sung những quy định nhằm khắc phục những tồn tại qua tổng kết 8 năm thi hành Luật như: phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; bồi thường thiệt hại về môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; những quy định mới về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, an ninh môi trường… Một số nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu trong dự thảo còn chưa rõ, chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, nhiệm vụ chủ yếu và các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đã được xác định rõ trong Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ban soạn thảo cũng cần so sánh, đối chiếu với các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật xử lý vi phạm hành chính… để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh Điều 2 phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam. So với Luật hiện hành dự thảo đã mở rộng phạm vi không gian áp dụng của Luật, không chỉ trên lãnh thổ mà còn trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo quy định tại Luật biển Việt Nam (năm 2012) thì vùng biển Việt nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Có ý kiến đề nghị đối tượng áp dụng của dự án Luật cần bổ sung đối với mọi tổ chức và cá nhân có hoạt động trên “vùng trời” của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dự thảo Luật đã dành một chương quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tuy nhiên có ý kiến cho rằng chương này chưa làm rõ nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, chưa hệ thống đầy đủ trách nhiệm của các bộ, ngành; quy định về trách nhiệm của từng bộ, ngành còn nằm rải rác ở các điều khoản khác nhau nên dẫn đến sự chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm của các bộ, ngành. Vì vậy, Ban soạn thảo cần rà soát, hệ thống lại và quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành.
Về nội dung đánh giá tác động môi trường, dự thảo Luật quy định đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của QH; thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng và những dự án trong danh mục Chính phủ quy định phải được đánh giá tác động môi trường sơ bộ và đánh giá tác động môi trường. Băn khoăn vì việc quy định 2 bước trong đánh giá tác động môi trường sẽ phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát để đảm bảo thực sự không phát sinh thủ tục hành chính.
Có ý kiến đánh giá việc tham vấn đối với tổ chức chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cộng đồng dân cư liên quan đến dự án trong quá trình xây dựng và thẩm định đánh giá tác động môi trường đã phát huy tác dụng tốt trong thời gian qua, nhưng tại quy định Điều 15 và 16 dự thảo Luật thì đối tượng tham vấn còn hẹp, chưa cụ thể, khoa học. Trên cơ sở đó đề nghị thể hiện lại các quy định này theo hướng mở rộng đối tượng tham vấn và quy định cụ thể, khoa học hơn cách thức tiến hành tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội.