Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chủ trì Phiên họp.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Kinh tế đã thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư công.
Theo Tờ trình dự án Luật Phá sản (sửa đổi), từ khi có hiệu lực thi hành năm 2004 đến nay, Luật Phá sản đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, hiệu quả áp dụng Luật trong đời sống thực tiễn không cao. Tờ trình nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi Luật là cần thiết và cấp bách nhằm khắc phục các quy định chưa phù hợp và đáp ứng các yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn; bảo đảm sự bình đẳng trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân. Theo đánh giá của các thành viên Ủy ban Kinh tế, dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) lần này đã khá rõ ràng, cách sửa tương đối dứt khoát và kiên quyết khi chỉ giữ lại 8 điều của luật hiện hành, bãi bỏ 15 điều, sửa đổi 72 điều và bổ sung mới 50 điều. Cơ bản tán thành với Tờ trình về đối tượng áp dụng của luật chỉ nên tập trung vào các doanh nghiệp và hợp tác xã, một số thành viên Ủy ban cũng nhấn mạnh, Luật Phá sản là luật chơi của thị trường, do đó, thủ tục thương lượng, mở thủ tục phá sản, phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản phải hết sức công khai, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, góp phần tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ kinh tế trước những rủi ro trong kinh doanh, qua đó, góp phần ổn định trật tự, đời sống xã hội.
Đối với dự án Luật Đầu tư công, các thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí mục tiêu xây dựng Luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư công phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế và tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn đầu tư công đối với toàn bộ quá trình đầu tư, từ khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư, lựa chọn chương trình đưa vào kế hoạch; chuyển từ kế hoạch đầu tư hàng năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn; toàn bộ quy trình triển khai thực hiện kế hoạch đến theo dõi, đánh giá, giám sát kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư... Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh của Luật nên tập trung quy định toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và các khoản vốn đầu tư khác có tính chất ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.