Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, CN và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Phan Trung Lý; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; và nhiều ĐBQH quan tâm đến dự án Luật này.
Báo cáo về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sự bùng phát của hệ thống sản xuất tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối, hay còn gọi là hệ thống tích hợp số- vật lý, đang đưa thế giới tiến vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Cuộc cách mạng này được mở đầu bằng những đột phá khoa học vào thế giới vi mô, hình thành các công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền, công nghệ của trí tuệ nhân tạo, internet của vạn vật… đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của mỗi quốc gia.
So sánh 4 nhóm loại công nghệ sẽ chuyển động mạnh mẽ trong CMCN 4.0 (công nghệ thông tin, vật lý, sinh học và năng lượng tái tạo) với sự phát triển khoa học, công nghệ ở Việt Nam, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, các doanh nghiệp trong nước hiện mới có mức độ sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng này ở mức trung bình đối với nhóm công nghệ thông tin (CNTT). Doanh nghiệp CNTT có thể khai thác dịch vụ cung ứng nền tảng, ứng dụng, nội dung kết nối internet vạn vật (IoT). Trong các nhóm công nghệ còn lại thì Việt Nam đều có mức độ sẵn sàng thấp. Với thực trạng phát triển khoa học, công nghệ hiện nay của nước ta, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, thì CMCN 4.0 có thể làm giảm trên 80% số việc làm của ngành dệt may, còn Diễn đàn Kinh tế dự báo sẽ làm giảm 47% số việc làm trong ngành. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số Nghị định, Chỉ thị đưa ra định hướng các nhóm giải pháp chiến lược để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp này.
Cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động đến nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh ở nước ta. Theo Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Trần Thị Quốc Khánh, người dân và doanh nghiệp đang có yêu cầu cao hơn với bộ máy hành chính, nhất là trong việc ứng dụng CNTT, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Từng cán bộ, công chức, viên chức phải tự thay đổi tác phong làm việc, để góp phần chuyển từ nền hành chính “mệnh lệnh”, “xin-cho” sang nền hành chính “phục vụ”, coi người dân và doanh nghiệp là đối tác, khách hàng trong hoạt động cung cấp dịch vụ công. Trong bối cảnh này, Trưởng ban soạn thảo cho biết, dự án Luật Hành chính công được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ/chính quyền điện tử, góp phần tận dụng các tác động tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của CMCN 4.0 đến nước ta.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, trước sự chuyển động của công nghệ sản xuất trên thế giới, trong những năm qua, Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ xem xét xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để cả xã hội thực sự vững vàng trong một xã hội của cuộc CMCN 4.0 này, Chủ nhiệm UB Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, sẽ phải thực hiện nhiều hoạt động, trong đó quan trọng nhất là cải cách phương thức làm việc của bộ máy hành chính, hướng tới nền hành chính khoa học, đạt hiệu suất làm việc tối ưu. Vì vậy, việc xây dựng và thông qua dự án Luật Hành chính công sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý hữu hiệu cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng phát triển ở Việt Nam, tạo động lực đổi mới phương thức làm việc của bộ máy hành chính.