Đề nghị xem xét bổ sung chính sách nhằm khuyến khích sáng tạo trong chuyển giao công nghệ

02/06/2017

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 2/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT  Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp Quốc hội, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và một số cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Theo đó, tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bổ sung, chỉnh sửa Điều 4 về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Trong đó cụ thể đối với 3 luồng chuyển giao công nghệ: Đối với luồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, cần khuyến khích chuyển giao công nghệ cao, tiên tiến đã được kiểm chứng. Đối với luồng chuyển giao công nghệ trong nước, cần có chính sách thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ từ các viện, trường trong nước vào sản xuất,  coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới và chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh sự lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang khu vực doanh nghiệp trong nước. Đối với luồng chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, cần coi đây là một trong những động lực quan trọng của đổi mới công nghệ

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành – tỉnh Lạng Sơn cho rằng các quy định tại Điều 4 dự thảo luật về chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ khá đầy đủ và bao quát tương đối toàn diện vấn đề đặt ra trong chính sách chuyển giao công nghệ trong tình hình hiện nay. Điểm mấu chốt cho việc phát triển khoa học, công nghệ và thị trường khoa học công nghệ nằm ở quy định đa dạng hóa các hình thức, phương thức chuyển giao công nghệ từ nhiều nguồn khác nhau. Chính sách này là tiền đề cho việc từ chuyển từ việc quản lý chuyển giao công nghệ theo cách thức truyền thống sang việc quản lý theo cơ chế thị trường có sự hỗ trợ của nhà nước. Nội dung này chi phối các nội dung quy định về  hỗ trợ, đổi mới, sáng tạo ý tưởng công nghệ; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong nước v.v...

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội trường                                   Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội K`Nhiễu – tỉnh Lâm Đồng đánh giá, Luật chuyển giao công nghệ đã được thực hiện 10 năm nhưng thực tiễn hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn còn trầm lắng, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội, chính sách của nhà nước đối với chuyển giao công nghệ của dự thảo luật sửa đổi lần này vẫn chưa rõ, chưa thể chế hóa đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng thành quy định pháp lý.

Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung chính sách và cơ chế đồng bộ trong luật nhằm khuyến khích sáng tạo, tạo nguồn cung công nghệ để các viện, các trường, các Sở công nghệ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đề tài cho các doanh nghiệp có nhu cầu; cần có chính sách thu hút tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến; cần có các định chế trung gian trên thị trường công nghệ để hình thành và phát triển cơ sở vật chất kĩ thuật, nhân lực, cơ sở dữ liệu công nghệ và cơ chế hoạt động và cũng cần có chính sách riêng cho hoạt động chuyển giao công nghệ, để phát triển nông nghiệp nông thôn.

Có cùng đề xuất, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương – tỉnh Gia Lai cho rằng, trong giai đoạn phát triển của nước ta hiện nay, luồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn là một kênh quan trọng để đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ quốc gia. Vì vậy, trong chính sách của nhà nước về chuyển giao cần bổ sung chính sách về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Cụ thể hơn thì đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan – TP.Hà Nội nhấn mạnh vấn đề thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ có chất lượng cao được đào tạo bài bản từ các nước có nền khoa học tiên tiến, họ đang làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường đại học tham gia tích cực vào chuyển giao khoa học công nghệ. Cần có chính sách trọng dụng thực sự hấp dẫn, thiết thực để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có bí quyết công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến. Nhà nước cần quy hoạch rà soát để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng một số tổ chức khoa học công nghệ, ươm tạo mạnh thực sự về trình độ đội ngũ, về cơ sở vật chất và môi trường làm việc. Có chính sách và cơ chế đặc thù đặt hàng giao nhiệm vụ cho các tổ chức nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ, thử nghiệm các công nghệ mới.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí – tỉnh Tiền Giang đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên chuyển giao công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo nhà nước có chính sách ưu tiên với các công nghệ sản xuất giống cây trồng, chịu hạn, kháng mặn đang rất cần phải chuyển giao để phục vụ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải - TP.Hải Phòng đề xuất các nội dung chính sách về chuyển giao công nghệ cần được bao quát

Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải – TP.Hải Phòng lại cho rằng, mặc dù Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng chưa bao quát được, chưa quán triệt được 4 định hướng chính sách rất cơ bản trong chuyển giao công nghệ. Một là coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Hai là chính sách là phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp, kỹ thuật viên lành nghề bởi đây là lực lượng nòng cốt trong đổi mới sáng tạo, trong ươm tạo công nghệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Ba là vấn đề chủ động và tích cực hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ cũng như về chuyển giao công nghệ, theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải điều này rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Các quốc gia tiên tiến hiện nay rất coi trọng hợp tác khoa học công nghệ, coi khoa học công nghệ là công cụ vô giá để hợp tác với các đối tác nước ngoài, khoa học công nghệ và đổi mới là động cơ của xã hội hiện đại và là lực lượng thống trị trong quá trình toàn cầu hóa phát triển kinh tế quốc tế. Bốn là phải khuyến khích phong trào thi đua đổi mới sáng tạo cải tiến kỹ thuật trong cộng đồng và trong xã hội. Đại biểu nhấn mạnh, một quốc gia muốn khởi nghiệp thì không chỉ dựa vào các viện nghiên cứu hoặc các nhà công nghệ chuyên nghiệp mà phải được xây dựng trên nền tảng của một xã hội hiểu biết, tôn vinh ứng dụng khoa học công nghệ thông qua các hoạt động phổ biến kiến thức, thông qua các phong trào thi đua sáng tạo cải tiến kỹ thuật sâu rộng.

Về nội dung này, phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu và thể hiện để cố gắng bao phủ hết tất cả ý kiến mà các đại biểu đã đặt ra. Bên cạnh các nội dung đã thể hiện khá cụ thể và chi tiết trong dự thảo luật, như tạo nguồn cung Điều 36; thu hút chuyển giao công nghệ Điều 37; ưu tiên công nghệ thích ứng môi trường Điều 10; và một số chính sách khuyến khích như các đại biểu đề cập đã được tiếp thu và bổ sung. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để thể hiện sâu sắc hơn tinh thần và vai trò của nhà nước trong tình hình cụ thể là quản lý theo thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bảo Yến

Các bài viết khác