Quốc hội thảo luận dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi): Mở rộng hay giới hạn đối tượng được trợ giúp pháp lý cần xem xét khả năng thực hiện

01/06/2017

Sáng 1/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)        Ảnh: Đình Nam

Dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần 1 tại Kỳ họp thứ 2 và một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là đối tượng được trợ giúp pháp lý. Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, nhiều ý kiến tán thánh với quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định thống nhất diện  đối tượng đang được hưởng trợ giúp pháp lý như quy định của pháp luật hiện hành và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số ý kiến đề nghị mở rộng diện người được hưởng trợ giúp pháp lý đối với một số đối tượng cụ thể như: hạ sĩ quan, binh sĩ làm nghĩa vụ quân sự bị buộc tội; phụ nữ đang mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người bị hạn chế về tinh thần, người bị bệnh hiểm nghèo, người bị tai nạn, sự cố bất ngờ, thiên tai, địch họa, công nhân, người lao động là nạn nhân bị lừa đảo hoặc bị cưỡng bức lao động…

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, việc xác định diện người được trợ giúp pháp lý cần phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật hiện hành và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tính khả thi. Theo đó, việc quy định người được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí. Một là, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng; chính sách dân tộc; chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Hai là, trợ giúp đối với một số nhóm đối tượng yếu thế nhất trong xã hội có khó khăn về tài chính, không đủ khả năng chi trả thù lao cung cấp dịch vụ pháp lý.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý bảo đảm kế thừa quy định trong Luật hiện hành các đối tượng đang được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, các luật khác và văn bản dưới luật có liên quan, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời bổ sung thêm 02 nhóm đối tượng mới (người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính) được trợ giúp pháp lý (Điều 7). Quy định về người được trợ giúp pháp lý như dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho việc bảo đảm hoạt động trợ giúp pháp lý một cách có chất lượng, hiệu quả. Khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các đối tượng mới vào Luật trợ giúp pháp lý

Xác định phạm vi đối tượng được trợ giúp pháp lý thì phải căn cứ vào khả năng, nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính khả thi của luật

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy - tỉnh Thanh Hóa đề nghị giữ quy định hiện hành về người được trợ giúp pháp lý

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy – tỉnh Thanh Hóa cho rằng quy định như Điều 7 của dự thảo luật thì diện người được trợ giúp pháp lý sẽ bị thu hẹp hơn so với quy định của các luật chuyên ngành. Cụ thể tại điểm b, đ, e, Khoản 7 quy định người khuyết tật, nạn nhân trong vụ việc mua bán người theo quy định của Luật phòng chống mua bán người, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình nhưng phải có khó khăn về tài chính là không khả thi. Theo đại biểu, việc xác định thế nào là khó khăn về tài chính phải có tiêu chí, nguyên tắc thì Chính phủ mới hướng dẫn được; đồng thời quy định này không thu hút được tất cả những người được trợ giúp pháp lý đã được quy định tại Điều 4 Luật người khuyết tật; Khoản 1, Điều 36 Luật phòng, chống mua bán người; Khoản 1, Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về quyền được trợ giúp pháp lý của các đối tượng này, không cần phân biệt họ có khó khăn về tài chính hay không. Đại biểu đề nghị dự thảo luật giữ nguyên quy định các trường hợp theo pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám - tỉnh Kon Tum chỉ ra rằng việc bổ sung người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo vào đối tượng trợ giúp pháp lý nhưng lại không trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo là người bị hại trong vụ án hình sự là chưa đầy đủ. Đại biểu phân tích, người bị buộc tội là người có hành vi phạm tội được trợ giúp pháp lý, trong trường hợp này, thể hiện sự quan tâm, tính nhân đạo của nhà nước, nhưng người bị hại trong trường hợp này không được trợ giúp pháp lý là đã bỏ qua một trường hợp, bỏ qua một đối tượng yếu thế khi bị xâm hại bởi hành vi phạm tội mà khi họ cần được trợ giúp pháp lý. Vì vậy đại biểu đề nghị nên xem xét bổ sung đối tượng là người thuộc hộ cận nghèo, là người bị hại trong vụ án hình sự vào đối tượng trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu.

Phát biểu tranh luận với các ý kiến đề nghị cần mở rộng thêm đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - tỉnh Quảng Bình khẳng định đây là một chế định quan trọng, càng mở rộng được nhiều đối tượng càng tốt, tuy nhiên, việc mở rộng đến đâu thì phải có căn cứ, phải có nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Đại biểu cho biết, trước đây nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý của chúng ta được nước ngoài tài trợ rất nhiều, nhưng từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thì nguồn lực trở nên hạn chế. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng đến đâu là một vấn đề rất quan trọng cần phải tính toán cẩn thận và phải bảo đảm nâng cao chất lượng của dịch vụ này.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - tỉnh Quảng Bình phát biểu tranh luận tại phiên họp

Bày tỏ tán thành với phạm vi người được trợ giúp pháp lý như đã được tiếp thu giải trình tại Điều 7, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phạm vi đối tượng trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật đã được đánh giá tác động về tính khả thi, về nguồn lực đảm bảo và qua đánh giá tác động thì cho thấy đây là phương án phù hợp. Nếu bổ sung thêm đối tượng khác thì phải đánh giá lại tác động.

Mặt khác, các đối tượng quy định tại Điều 7 đã được kế thừa Luật trợ giúp pháp lý hiện hành và các luật chuyên ngành có liên quan. Một vài đối tượng có giảm bớt đi như đại biểu đã đề cập liên quan tới Luật người khuyết tật, Luật mua bán người là những luật mà chúng ta đã ban hành từ lâu nếu thấy cần thiết thì có thể sửa đổi. Đối với Luật trẻ em, quy định tại Điều 7 dự thảo Luật hoàn toàn phù hợp với Luật trẻ em. Về tổng thể dự thảo Luật cũng bổ sung thêm nhiều đối tượng mới chưa được quy định trong pháp luật hiện hành như người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội rồi nạn nhân bạo lực về gia đình có khó khăn về tài chính.

Cùng quan điểm, đại biểu Võ Thị Như Hoa - TP.Đà Nẵng cũng cho rằng việc mở rộng hay hạn chế đối tượng được trợ giúp pháp lý thì phải căn cứ vào khả năng, nguồn lực của nhà nước để đảm bảo tính khả thi của luật. Những đối tượng được trợ giúp pháp lý một khi được quy định trong luật, khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý thì phải được đáp ứng kịp thời với dịch vụ có chất lượng tương đương với luật sư, tránh trường hợp khi đối tượng được trợ giúp pháp lý có nhu cầu thì bị từ chối vì lí do không có kinh phí hoặc chất lượng dịch vụ thấp, không đảm bảo được quyền của người được trợ giúp pháp lý. Do vậy, đại biểu cho rằng việc quy định về người được trợ giúp pháp lý như dự thảo luật lần này là phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của nước ta hiện nay, vừa đảm bảo thực hiện được các chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách dân tộc, vừa bảo đảm khả năng tiếp cận công lý cho những người không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý.

Trong khi đó, đại biểu Ngô Trung Thành - tỉnh Đắk Lắk cho rằng cần phải xem xét những vấn đề diện người được trợ giúp pháp lý hết sức kỹ lưỡng và chu đáo ở mọi khía cạnh. Việc xác định diện thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý thì phải bám vào nguyên tắc quy định về đối tượng người được hưởng trợ giúp pháp lý mà báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu ra.

Đại biểu chỉ rõ, qua rà soát lại quy định tại Điều 7, liên quan đến đối tượng người có công đã được ở Khoản 1, Điều 7. Tại Điểm c, Khoản 7, cũng đã quy định về cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, đối tượng đấy là thân nhân của người có công là mở rộng hơn đối tượng người có công.

Liên quan Luật trẻ em, luật này có hai điều quy định liên quan đến quyền trợ giúp pháp lý, Điều 70 quy định quyền trợ giúp pháp lý trong các nội dung, các yêu cầu bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng; Điều 30 quy định quyền được trợ giúp pháp lý ở hai lĩnh vực tố tụng và xử lý vi phạm hành chính. Đối chiếu với quy định tại Khoản 3, Điều 7 cho thấy hoàn toàn phù hợp với Luật trẻ em, không có gì mâu thuẫn và không hẹp hơn.

Liên quan đến Luật phòng, chống mua bán người, luật này có quy định đối tượng là nạn nhân của mua bán người thì được trợ giúp pháp lý. Tại Điều 36 quy định rõ nạn nhân được trợ giúp pháp lý trong các nội dung liên quan đến vấn đề tư vấn, để phòng ngừa mua bán trở lại được trợ gúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận các chế độ hỗ trợ đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục liên quan khác. Đối chiếu với dự thảo luật, có điểm khác biệt nhưng theo đại biểu Ngô Trung Thành, điều này là hợp lý.

Liên quan đến Luật người khuyết tật, Điều 4 của Luật người khuyết tật có quy định: "Quyền của người khuyết tật là được trợ giúp pháp lý", nhưng lại phải có đuôi "phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật, không phải là tất cả". Dự thảo luật quy định người khuyết tật có khó khăn về tài chính, ở đây đã có sự tinh chỉnh lại để làm sao cho đối tượng đúng về bản chất so với bản chất của trợ giúp pháp lý.

Cần làm rõ khái niệm người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính

Bày tỏ đồng tình với việc mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý, đại biểu Ngô Sách Thực – tỉnh Bắc Giang cho rằng cần cân nhắc không nên đưa điều kiện "khó khăn về tài chính" về các đối tượng quy định tại điểm 7 Điều 8 dự thảo Luật.

Theo đại biểu Ngô Sách Thực, đối với mỗi đối tượng, phải quy định điều kiện cụ thể, không thể quy định chung được. Bên cạnh đó, nếu quy định như dự thảo chúng tôi thấy mâu thuẫn với ba luật hiện nay là Luật người khuyết tật, Luật trẻ em, Luật phòng, chống mua bán người. Điều 7 dự thảo Luật quy định "khó khăn về tài chính" và giao Chính phủ hướng dẫn là khó thực hiện. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, nếu thông qua kỳ này thì có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 thì khi nào hướng dẫn để thực hiện được việc này. Đồng thời quy định này rất dễ mâu thuẫn liên quan đến thủ tục hành chính như các đối tượng người dưới 16 tuổi, người khuyết tật bên cạnh chỉ cần xuất trình giấy tờ cá nhân nay lại phải thêm giấy chứng nhận hoàn cảnh khó khăn là thêm thủ tục hành chính.

Đại biểu Cao Thị Xuân - tỉnh Thanh Hóa đề nghị làm rõ nội dung "khó khăn về tài chính" áp dụng đối với người được trợ giúp pháp lý 

Đại biểu Cao Thị Xuân – tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, quy định tại Khoản 7, Khoản 8, Điều 7 không thể thuyết phục đại biểu ủng hộ dự thảo luật vì đến thời điểm này nội hàm của khái niệm người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính hoàn toàn chưa được làm rõ. Chính phủ cũng chưa trình dự thảo nghị định quy định chi tiết để xem dự kiến của Chính phủ sẽ trình quy định này về vấn đề này như thế nào. Báo cáo tiếp thu, giải trình cũng chỉ mới nêu ra một ví dụ một trong những tiêu chí để xác định điều kiện khó khăn về tài chính là gặp thiên tai, địch họa, hỏa hoạn. Từ đây đại biểu Cao Thị Xuân đặt vấn đề, người trên 80 tuổi không có lương hưu, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định của Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật có phải là đối tượng thuộc diện khó khăn về tài chính hay không.

Nhấn mạnh, việc quy định "khó khăn về tài chính" là vấn đề khó, vừa là nội dung chính sách mới nhưng không rõ định lượng, do đó không thể yên tâm ủy quyền luật pháp về vấn đề này nếu chưa rõ định lượng, sẽ tiềm ẩn khả năng dẫn đến quy phạm treo sau khi luật đã được thông qua, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều đối tượng yếu thế, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm vấn đề này.

Giải trình thêm về đối tượng được trợ giúp pháp lý trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có 14 nhóm người đã được quy định tại dự thảo luật. Trong đó, những người đang thụ hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì không có thay đổi. Theo thống kê sơ bộ, theo quy định của dự thảo luật thì diện người được hưởng trợ giúp pháp lý so với pháp luật hiện hành tăng từ 17 triệu lên 31 triệu người.

Bản chất ở đây là xuất phát từ một nguyên lý là những người được trợ giúp pháp lý phải là những người yếu thế, những người không có khả năng chi trả về mặt tài chính, vấn đề này hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước quốc tế năm 1966 về quyền dân sự và chính trị có khẳng định điều kiện là những người không có khả năng chi trả thì được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý và Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Bộ trưởng Lê Thành Long cũng lưu ý, xuất phát từ tiêu chí những người có khó khăn về tài chính và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và dịch vụ trợ giúp pháp lý cũng phải có chất lượng, trong khi nguồn lực có hạn chế nhất định thì gom lại một số đối tượng với các tiêu chí nhất định như thế, về mặt pháp lý thì không vi phạm. 

Bảo Yến

Các bài viết khác