Chủ trương thu hút sự tham gia của xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý
Trước đó, dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2. Nhiều ý kiến tán thành với nội dung quy định về xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục đa dạng hóa, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý. Có ý kiến đề nghị quy định rõ cơ chế Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Tại Kỳ họp này, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm thu hút sự tham gia của xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý, đồng thời giảm gánh nặng đối với Nhà nước. Việc thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý là cần thiết, nhưng trợ giúp pháp lý đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Do đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý phải bảo đảm một số tiêu chí nhất định.
Với tinh thần đó dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cộng tác viên trợ giúp pháp lý (Điều 25) để huy động những người có kiến thức thực tiễn, đã có kinh nghiệm pháp luật và có điều kiện tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý ở những vùng khó khăn, không có đội ngũ làm trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp. Đồng thời, quy định giảm số năm kinh nghiệm về tư vấn pháp luật của Tư vấn viên pháp luật là thành viên tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý từ 05 năm còn 02 năm (điểm c, khoản 1 Điều 19); quy định cụ thể các loại công việc, hình thức trợ giúp pháp lý mà mỗi chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý được thực hiện (cụ thể: luật sư được thực hiện trợ giúp pháp lý bằng tất cả các hình thức; tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên trợ giúp pháp lý chỉ được thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật). Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng khuyến khích các tổ chức, luật sư, cá nhân khác thực hiện tự nguyện hỗ trợ pháp lý cho người dân.
Về các biện pháp, cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động trợ giúp pháp lý, dự thảo Luật quy định nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lý” (khoản 4 Điều 4); thông qua đó uy tín nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân được nâng cao, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Dự thảo Luật cần quy định chính sách, biện pháp cụ thể nhằm thu hút tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác trợ giúp pháp lý
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Cao Thị Giang – tỉnh Quảng Bình cho rằng dự thảo luật quy định Nhà nước khuyến khích ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý tại Khoản 3, Điều 4, nhưng lại không quy định chính sách, biện pháp cụ thể thiết thực để thu hút khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác trợ giúp pháp lý. Vì vậy, theo đại biểu cần phải tạo lập các cơ chế để thu hút nhiều hơn sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội và hoạt động này không chỉ bằng nguồn lực của họ mà cả bằng nguồn lực của nhà nước, san sẻ trách nhiệm của nhà nước với xã hội. Một mặt vừa tận dụng được trí tuệ, trình độ vào nguồn lực trong xã hội. Mặt khác, góp phần giảm gánh nặng cho nhà nước về tổ chức biên chế, ngân sách đào tạo, bồi dưỡng văn hóa cán bộ và chi phí hành chính. Bên cạnh những quy định của dự thảo luật, cũng cần nghiên cứu để có thêm những quy định nhằm tạo điều kiện phát huy hết vai trò của tổ chức, cá nhân có điều kiện và khả năng tham gia trợ giúp pháp lý, tiếp tục đa dạng hóa thu hút các nguồn lực xã hội vào tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý để nâng cao uy tín nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân được nhà nước và xã hội công nhận.
Đại biểu Cao Thị Giang - tỉnh Quảng Bình đề nghị quy định rõ chính sách thu hút sự tham gia của cá nhân tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Đồng thời, đại biểu Cao Thị Giang cũng đề nghị Ban soạn thảo báo cáo đánh giá cụ thể, sâu sát hơn về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua về số lượng, loại hình, chất lượng vụ việc giải quyết trợ giúp pháp lý và nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho tổ chức, cá nhân này để Quốc hội có thêm cơ sở cho việc xem xét quyết định.
Đồng ý với quan điểm tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý để bảo đảm quyền và lợi ích tối đa của người trợ giúp pháp lý và để giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – tỉnh Đồng Tháp đề nghị, Khoản 4 Điều 4 dự thảo Luật cần khẳng định Nhà nước có chính sách ưu đãi hỗ trợ. Bởi thực tế ngoại trừ một số ít các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực, điều kiện tham gia trợ giúp pháp lý tự nguyện thì hầu hết các tổ chức, cá nhân thuộc diện tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý vẫn rất cần Nhà nước có chính sách, cơ chế cụ thể để nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Nếu không quy định rõ chính sách thì quan điểm xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ khó được hiện thực hóa trong cuộc sống. Hơn nữa, rất cần có cơ chế, chính sách để cho các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý. Qua đó góp phần mở rộng và nâng cao chất lượng của thị trường cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý thụ hưởng dịch vụ tốt nhất, chất lượng nhất từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cùng quan điểm, đại biểu Võ Thị Như Hoa – TP.Đà Nẵng cho rằng trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp thì việc thu hút nguồn lực từ ngoài xã hội cùng lực lượng của nhà nước tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách là rất cần thiết.
Song đại biểu cũng lưu ý, xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý khác biệt với xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch công khác ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công chứng v.v... Vì đối với những hoạt động này thì nhà nước giao cho lực lượng xã hội có đủ điều kiện thực hiện và được thu phí dịch vụ, còn hoạt động trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí đối với người thụ hưởng.
Người thực hiện không được nhận bất kỳ khoản thù lao lợi ích vật chất nào từ người trợ giúp pháp lý. Do vậy, xã hội hóa trong hoạt động trợ giúp pháp lý chỉ đơn giản là đa dạng hóa trong chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý và ngân sách nhà nước chi trả cho các lực lượng xã hội tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý. Phần chi trả của Nhà nước cho các đối tượng này không phải thù lao được tính theo giá thị trường mà chỉ là một phần hỗ trợ của Nhà nước để bù đắp phần nào công sức chi phí do họ bỏ ra để thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để kêu gọi được các chủ thể khác ngoài Nhà nước tham gia cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa - TP.Đà Nẵng lưu ý xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý có sự khác biệt so với xã hội hóa trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục
Đại biểu Võ Thị Như Hoa cho rằng không phải chỉ dừng lại ở sự khuyến khích, sự tôn vinh, sự kêu gọi từ hoạt động hỗ trợ của các tổ chức luật sư như Khoản 4, Điều 4 dự thảo quy định mà Nhà nước cần có chính sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước, các tổ chức hành nghề luật sư khi tham gia vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc thực hiện những vụ việc có tính chất điển hình sẽ được cộng điểm khi nhà nước xem xét lựa chọn để tham gia giải quyết các vụ kiện của nhà nước hoặc được miễn giảm thuế v.v... Đại biểu đề nghị quy định cụ thể các chính sách thiết thực cho các tổ chức hành nghề luật sư các trung tâm tư vấn pháp luật tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý và hỗ trợ kinh phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý thông qua hợp đồng đặt hàng với nhà nước cung cấp dịch vụ pháp lý, có như vậy việc kêu gọi xã hội hóa mới mang lại hiệu quả.
Phát biểu tranh luận tại phiên họp về nội dung này, đại biểu Bùi Văn Xuyền – tỉnh Thái Bình cho biết trợ giúp pháp lý là trợ giúp miễn phí hoàn toàn của Nhà nước và nghiêm cấm thu bất kỳ lợi ích vật chất nào, tiền hay vật chất nào của người được trợ giúp pháp lý. Do vậy, hoạt động của trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước phải xác định là hoạt động ở trung tâm của nhà nước, nhà nước phải bỏ nguồn lực nước ra để tổ chức thực hiện chứ không phải là tiền từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Và như vậy cũng không thể xã hội hóa trợ giúp pháp lý giống như xã hội hóa của giáo dục và y tế. Tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia như Hà Lan, Phần Lan, Nhật Bản, Trung Quốc cho thấy, trước đây các quốc gia này giao toàn bộ cho lực lượng luật sư làm nhưng sau một thời gian không thể thực hiện được và lại quay về để nhà nước tổ chức hoạt động tổ chức trợ giúp pháp lý.
Lý giải thêm nội dung Điều 7 mà nhiều đại biểu băn khoăn, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết, mục tiêu của Chính phủ đặt ra trong dự thảo luật lần này là để nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý và đồng thời tính toán đến nguồn lực. Dự thảo luật đã chia ra hai nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý. Nhóm thứ nhất, xuất phát từ đặc thù thể chể chính trị, quy định tại Khoản 1 đến Khoản 6 là những đối tượng không có điều kiện về kinh tế khó khăn gồm những người có công, trẻ em, người dân tộc thiểu số ở vùng điều kiện đặc biệt kinh tế khó khăn, người buộc tội, người bị buộc tội là hộ cận nghèo. Nhóm thứ hai, quy định từ Khoản 7 Điều 7 có thêm điều kiện “khó khăn về tài chính” do đây xuất phát từ yêu cầu nguồn lực, là bản chất của trợ giúp pháp lý.