Giám sát chuyên đề về phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển vùng dân tộc và miền núi toàn diện

31/05/2017

Chiều 31/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. Một trong những nội dung giám sát chuyên đề được Ủy ban thường vụ Quốc hội trình xin ý kiến Quốc hội là việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá giám sát chuyên đề này sẽ góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc, đảm bảo việc xây dựng chính sách dân tộc phải đồng bộ, phát triển vùng dân tộc và miền núi toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh

Trước đó ngày 23/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, tại 19 tổ đã có 121 ý kiến phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc hội. Trong đó, có 48 ý kiến đề nghị giám sát nội dung chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, chuyên đề này thỏa mãn với các tiêu chí giám sát, phù hợp với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đây cũng là vấn đề vĩ mô liên quan đến chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi. Có ý kiến đại biểu cho rằng việc giám sát chuyên đề này sẽ góp phần phục vụ việc xây dựng Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Kỳ họp thứ 6.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018 sáng ngày 23/5

Thuyết minh của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, với quan điểm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư phát triển đi đôi với thực hiện chính sách an sinh xã hội; phát triển vùng dân tộc thiểu số bền vững, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách, phát luật về dân tộc để phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc khá đồ sộ (có khoảng 66 Luật và hơn 200 văn bản dưới luật liên quan), do nhiều cơ quan ban hành, đề cập tương đối toàn diện về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, an ninh và quốc phòng… vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, thực tế kết quả thực hiện các chính sách còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Các chính sách dân tộc nằm rải rác ở các văn bản khác nhau thuộc nhiều Bộ, ngành quản lý, nên khó tránh khỏi sự chồng chéo, mâu thuẫn. Hệ thống chính sách pháp luật về lĩnh vực dân tộc đặt ra các mục tiêu lớn nhưng kinh phí bố trí thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách còn hạn chế, suất đầu tư thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu và kế hoạch đề ra, chưa coi trọng đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển của quốc gia.

Hầu hết các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao, không có khả năng bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách dân tộc, chủ yếu dựa vào nguồn vốn Trung ương nên việc lồng ghép nguồn lực của các chương trình, đề án, chính sách còn khó khăn, hiệu quả chưa cao. Kết cấu hạ tầng ở cơ sở chưa đồng bộ và nhanh xuống cấp, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt. Hệ thống các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Bản sắc văn hóa đang bị mai một, mất dần tiếng nói, chữ viết, trang phục và các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số; đói nghèo, bệnh tật, thiếu việc làm, thu nhập thấp vẫn đang là thách thức lớn của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn rất cao, nguy cơ tái nghèo lớn (nhiều huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, cá biệt có nơi trên 70%). Nhiều nơi đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất nhưng khó chuyển đổi nghề vì đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực còn thấp, nhiều sinh viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp chưa tìm được việc làm.

Các đại biểu Quốc hội tại tổ số 10  thảo luận về nội dung chương trình giám sát năm 2018

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân. Về mặt khách quan, vùng dân tộc và miền núi là địa bàn địa bàn khó khăn, địa hình chia cắt, xa xôi cách trở với các trung tâm, khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai bất thường xảy ra gây hậu quả lớn. Kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi có xuất phát điểm rất thấp, cơ sở hạ tầng kém, thiếu đất sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Hơn nữa chương trình dân tộc là lĩnh vực tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có lĩnh vực nhạy cảm, khó khăn, phức tạp. Về mặt chủ quan, do nguồn lực đầu tư vào vùng dân tộc miền núi còn ít, nhất là kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc. Một số địa phương chưa huy động được nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc, có dự án bố trí vốn đầu tư dàn trải, thực hiện kéo dài, hiệu quả không cao…

Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự kiến đối tượng, phạm vi giám sát sẽ là việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2011-2015 của các Bộ, ngành, địa phương có vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, giám sát chuyên đề này sẽ giúp Quốc hội hướng tới một số mục tiêu tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của Hiến pháp về lĩnh vực dân tộc đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Đảm bảo việc xây dựng chính sách dân tộc phải đồng bộ, đa mục tiêu, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc với các vùng khác; phát triển vùng dân tộc và miền núi toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực dân tộc nhằm bảo đảm cơ chế chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất, điều chỉnh toàn diện chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và nội lực vươn lên của các địa phương, của vùng dân tộc và miền núi; khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Giám sát cũng sẽ góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ trung ương đến cơ sở.

Bảo Yến