Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - tỉnh Bến Tre cho ý kiến về nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội
Đề xuất giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Phát biểu tại Hội trường, lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018, đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình – tỉnh Lai Châu cho biết việc thực hiện chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển dân tộc thiểu số và miền núi bên cạnh những kết quả đạt được còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém, sự trùng lặp về cơ chế, nội dung của các chính sách đã và đang thực hiện cần được khẩn trương quan tâm, xem xét, khắc phục trong thời gian tới. Theo đại biểu, kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ là kênh thông tin đánh giá quan trọng để phục vụ cho công tác xây dựng hoàn thiện Luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.
Có cùng sự lựa chọn, đại biểu Quốc hội K' Nhiễu – tỉnh Lâm Đồng cho rằng cần thiết phải tiến hành giám sát chuyên đề này xuất phát từ tình hình thực tiễn hiện nay, nhất là chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển đối với các tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.
Đại biểu K’Nhiễu cho biết thời gian qua, đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân miền núi nói chung cảm ơn Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách pháp luật đã góp phần thay đổi căn bản đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số về nhiều điểm tích cực, bộ mặt của nông thôn miền núi phát triển tiến bộ hơn. Tuy nhiên, do các chính sách pháp luật, trong đó có chính sách vay hỗ trợ phát triển đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi rất nhiều, nhiều cơ quan ban hành thuộc nhiều chương trình, lĩnh vực, nội dung khác nhau nên giữa các chính sách có sự đan xen, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn. Tại một số địa phương có tình trạng, có những chính sách ban đầu được triển khai nhanh và mạnh, nhưng yếu dần theo thời gian do không đủ nguồn lực đầu tư, trong khi vẫn cần thiết phải tiếp tục đầu tư, làm cho chính sách bị méo mó, khó phát huy được mục đích ban đầu đặt ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị chọn giám sát nội dung chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi để có nhìn toàn diện khách quan về vấn đề này, từ đó xây dựng luật đề ra các chính sách hỗ trợ cơ cấu đầu tư, bảo đảm sự phát triển đột phá đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy – tỉnh Tuyên Quang phân tích thêm, thực tế, nước ta có 54 dân tộc trong đó có 53 dân tộc thiểu số với dân số hơn 13,6 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước, sinh sống thành cộng đồng ở 5266 xã, 458 huyện, 52 tỉnh, thành phố, trong đó có khoảng 10 triệu đồng bào sống ở biên giới, khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Những năm qua, Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương đã dành sự quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Tuy nhiên, hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là nơi khó khăn nhất, là lõi nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng dân tộc cao gấp hơn 3 lần mức bình quân chung của cả nước, còn trên 21% người trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn ở một số dân tộc là trên 50%.
Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhưng vẫn còn nhiều bất cập chưa đạt được mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực. Đặc biệt, một số nơi còn thiếu sự quan tâm, đầu tư, hiệu quả thấp, lãng phí. Vì vậy, rất cần Quốc hội giám sát để thấy được thực tiễn của những chính sách, qua đó, khắc phục được hạn chế, thiếu sót để từ đó có những quyết định, chính sách thiết thực, thỏa đáng hơn đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay.
Thống kê các chương trình giám sát từ năm 2014 đến 2017, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – tỉnh Bến Tre cho biết, đã có 25 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội. Cụ thể, lĩnh vực kinh tế và xây dựng nông thôn mới có 11 cuộc; quản lý nhà nước có 7 cuộc; xã hội có 3 cuộc; xây dựng pháp luật 1 cuộc; tư pháp có 1 cuộc; giáo dục 1 cuộc và môi trường 1 cuộc. Đặc biệt lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm có 2 cuộc được thực hiện năm 2009 và 2016 - 2017. Về cải cách thủ tục hành chính và bộ máy nhà nước cũng 2 cuộc 2010 - 2016 và 2017. Trong khi đó, Đảng, Nhà nước ta quan tâm đặc biệt chính sách dân tộc, rất nhiều văn kiện văn bản nhưng đây cũng là vùng khó khăn nhất, đồng bào vô cùng khó khăn lại chưa có bất kỳ cuộc giám sát nào về bất kỳ chính sách dân tộc.
Đại biểu bày tỏ, qua thực tế Hà Giang, đi Thanh Hóa, đi Mường Lác - Thanh Hóa, cùng với gia đình và vận động doanh nghiệp lên bản tại Sơn La nhìn thấy cuộc sống của bà con dân tộc miền núi là không thể cầm lòng được. Đại biểu đặt vấn đề, vậy thì hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đến đâu và có cần điều chỉnh không. Bày tỏ nhất trí với quan điểm nhiều đại biểu Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ, cần phải lấy kết quả giám sát này để phục vụ cho công tác xây dựng luật năm 2018 được hiệu quả hơn để khỏi chệch hướng, bảo đảm tính đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, thể hiện được mối quan tâm cao nhất và đặc biệt của Quốc hội đối với đồng bào dân tộc và đối với những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của đất nước.
Cần phải thảo luận tại Hội trường những nội dung giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi – tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các giám sát chuyên đề do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chủ trì được đánh giá là những vấn đề bức xúc thì chỉ gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, trong khi rất nhiều nội dung cần thiết phải có thảo luận và trao đổi trước Quốc hội, nhưng chỉ gắn với thảo luận kinh tế - xã hội là chưa thỏa đáng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội nên bố trí thời gian cần thiết để lựa chọn một số chuyên đề bức xúc do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban giám sát để thảo luận tại hội trường, với mục đích nêu những vấn đề để các đại biểu Quốc hội có thể thảo luận, thống nhất và cũng để cử tri quan tâm, theo dõi đánh giá.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi - tỉnh Thanh Hóa cho ý kiến về chương trình hoạt động giám sát năm 2018 của Quốc hội
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi nêu, hiện nay tình hình thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội là vấn đề rất bức xúc, rất nhiều các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đề nghị nên có tổ chức thảo luận tại Hội trường. Thực tế, theo tinh thần nghị quyết đến năm 2020 chúng ta phấn đấu 50% lực lượng lao động được tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, nhưng đến nay mới được 13,1 triệu, tức là chiếm khoảng 24,5% lực lượng lao động. Như vậy, mục tiêu của chúng ta khó có thể đạt ra, vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội, các vấn đề khác liên quan đến chính sách an sinh xã hội của chúng ta mà người dân rất quan tâm. Bên cạnh đó, tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy cũng là những giám sát chuyên đề của Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội, nhưng cũng chỉ gửi báo cáo cho các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu bày tỏ lo ngại, việc phân bổ thời gian thảo luận về kinh tế - xã hội tại Hội trường chỉ có một ngày, có thể không đủ điều kiện để các đại biểu Quốc hội có thể phát biểu được trước Hội trường những nội dung của các giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Đại biểu đề nghị nên xem xét cân đối phân bổ thời gian để Quốc hội thảo luận một số các chuyên đề có tính bức xúc, có nhiều kiến nghị và đề xuất của cử tri.
Đại biểu cũng nghị nên tăng cường thêm các phiên chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, vì hình thức này sẽ rất kịp thời để giải quyết được những bức xúc và cũng là cơ hội để phổ biến tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật đối với nhân dân.