ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG GIÁM SÁT CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI ĐIỆN BIÊN

17/11/2023

Ngày 17/11, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về chuyển đổi số tại tỉnh Điện Biên. Làm việc với đoàn có các đồng chí: Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

HẢI PHÒNG: QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ KHÔNG PHÁT HUY VAI TRÒ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG

Đoàn giám sát làm việc tại Bưu điện tỉnh Điện Biên.

Hàng năm, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên và các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số. Giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh đã bố trí kinh phí thực hiện cho các dự án, nhiệm vụ, lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển chính quyền số khoảng 433 tỷ đồng. Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đề án của UBND tỉnh đã xác định tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên.

Hiện các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên, UBND cấp huyện, xã trên địa bàn đang cung cấp 627 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức toàn trình). Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 53%, trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 82%. Quý I/2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đạt trên 60%. Trong thương mại điện tử, toàn tỉnh đã đưa được gần 500 sản phẩm lên sàn, trong đó có 44 sản phẩm CCOP. Đến nay, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 75%, có chữ ký số hoặc chữ ký số công cộng đạt gần 1,5%… Tuy nhiên, quá trình triển khai chuyển đổi số tại Điện Biên cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là sự thiếu hụt về hạ tầng, dịch vụ viễn thông, internet tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận dân cư còn e dè, chưa chủ động ứng dụng các tiện ích của chính quyền số, chưa thay đổi thói quen dùng tiền mặt…

Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn công tác và đại diện các sở, ngành, đơn vị viễn thông tại Điện Biên đã trao đổi, thảo luận, làm rõ nhiều nội dung liên quan. Từ đó, tìm hướng tháo gỡ trong triển khai, phát huy hiệu quả thực hiện.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Điện Biên trong thực hiện chuyển đổi số thời gian qua. Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn, địa phương đã bố trí 1% ngân sách thường xuyên để thực hiện nội dung này; việc ban hành chính sách pháp luật chuyển đổi số khá đầy đủ; cơ chế chỉ đạo, điều hành được thực hiện bài bản, chặt chẽ, có phân công, phân nhiệm cụ thể; thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% xã… Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn đề nghị địa phương tiếp tục bổ sung đầy đủ, cụ thể khó khăn, vướng mắc thực tế trong quá trình thực hiện, làm cơ sở để đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội xem xét bổ sung quy định, luật liên quan.

Trước đó, đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại 3 đơn vị: VNPT Điện Biên, Bưu điện tỉnh, Viettel Điện Biên. Tại các đơn vị, đoàn đã nắm bắt và trao đổi, chia sẻ những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện liên thông về hạ tầng số; chủ trương bỏ dịch vụ 2G; xây dựng, lắp đặt trạm thu phát sóng và chia sẻ phát triển hạ tầng viễn thông.

(Theo Báo Điện Biên Phủ)

Các bài viết khác