GÓC NHÌN: VĂN HÓA - NGUỒN LỰC NỘI SINH PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ BỀN VỮNG

07/12/2023

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, với kỳ vọng tạo ra những bước chuyển có tính đột phá cho Thủ đô- Trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: “Văn hóa - Nguồn lực nội sinh phát triển Thủ đô bền vững” của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội.

GÓC NHÌN: RÁC THẢI SINH HOẠT TẠI VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

QUỐC HỘI KHÓA XV VỚI NHIỆM VỤ PHẤT CAO NGỌN CỜ CỦA ĐẢNG VỀ VĂN HÓA - BÀI 3: KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH ĐỂ ''VỀ ĐÍCH'' THÀNH CÔNG

1.000 năm trước, Lý Công Uẩn lên ngôi mở đầu thời hưng thịnh Đại Việt. Giữa năm sau (Canh Tuất 1010), sau chuyến xa giá về quê bái Tổ ở châu Cổ Pháp (Tiên Sơn, Bắc Ninh nay), Thái Tổ Lý Công Uẩn tự tay viết Chiếu dời đô, chọn đất Đại La (Hà Nội) làm “nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”. Trong “Chiếu dời đô” một trong những lý do quan trọng nhất được Lý Thái Tổ đưa ra là “muốn đóng đô ở nơi trung tâm mưu đồ nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”. Ông đã nhận xét hết sức chính xác về vị trí quan trọng của vùng đất Thăng Long - Hà Nội rằng: “Ở vào nơi trung tâm trời đất, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng với vị trí giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, thuận theo chiều hướng núi sông quay vào, ngoảnh ra, đất rộng và bằng, cao và thoáng… Xem khắp đất Việt, chỉ có đây là nơi thắng địa. Thật là nơi hội tụ quan trọng của bốn phương, nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Thái Tổ Lý Công Uẩn tự tay viết Chiếu dời đô, chọn đất Đại La (Hà Nội) làm “nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”. (Hình minh họa)

Thủ đô Hà Nội mang trong mình tính quy tụ tự nhiên về cả địa lý, chính trị kinh tế và văn hóa con người. Sự hội tụ của các dòng cư dân về mảnh đất này diễn ra cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc đã làm cho mảnh đất Kinh kỳ mang một màu sắc và nét đặc trưng riêng. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội luôn phát huy vai trò là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất cho đất nước.

Vì thế, khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng văn hóa của Thủ đô. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội 1000 năm văn hiến, thanh lịch, văn minh;  bên cạnh tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu có hơn bản sắc văn hóa.

Biểu diễn nghệ thuật múa rồng tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội còn là vùng tài nguyên văn hóa đa dạng, giàu có và hấp dẫn nhất đất nước, với hệ thống di sản văn hóa dày đặc, kết cấu hạ tầng phong phú cùng lớp lớp nhân tài là văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, thợ thủ công tài hoa. Các nguồn tài nguyên văn hóa có mặt ở khắp mọi nơi trong thành phố là những yếu tố quan trọng để Hà Nội củng cố, bồi đắp nền văn hóa mới trên nền tảng ngàn năm văn hiến. Văn hóa Thủ đô là nguồn lực nội sinh phát triển Thủ đô bền vững

Từ khi dời đô, Lý Thái Tổ đã rất coi trọng vai trò của văn hóa và triều Lý là triều đại đầu tiên đã coi văn hóa có khả năng giáo hóa con người, khai phóng và tạo ra những tiền đề để phát triển đất nước. Triều Lý đã lập Văn Miếu, mở trường học, đề cao vấn đề giáo hóa con người và chọn lựa nhân tài làm rường cột cho nước nhà. Các thời đại tiếp theo như Trần, Lê, Mạc, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn lúc trồi, lúc sụt, nhưng triều đại nào cũng coi dân trí, dân khí, văn hiến, trọng dụng người hiền tài là kế sâu rễ bền, gốc giữ nước.

Từ cổ chí kim, hiền tài là nguyên khí quốc gia. Những nhân tài của Thăng Long - Hà Nội xưa do nền giáo dục Nho học đào tạo đã đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước, của chế độ (Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phan Phu Tiên, Lê Quý Đôn, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Văn Siêu…).

Cách đây đúng 580 năm, khi soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442), Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”. Điều này cho thấy coi trọng giáo dục, vai trò của trí thức là tư tưởng nhất quán và xuyên suốt trong văn hóa dân tộc. Đây cũng là lý do tạo nên sức mạnh Việt Nam từ việc coi trọng học vấn, đề cao những giá trị của tầng lớp tiên phong trong việc hình thành, giữ gìn, lan tỏa truyền thống văn hóa.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng xác định nhiệm vụ quan trọng là xây dựng đội ngũ trí thức, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc trong thời gian tới. Ảnh TTXVN

Ngày nay, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng xác định nhiệm vụ quan trọng là xây dựng đội ngũ trí thức, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc trong thời gian tới. Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động đặc biệt trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho trí tuệ quốc gia và đầu tư cho phát triển bền vững.

Tôi cho rằng, đây là chủ trương rất đúng đắn và cần sớm cụ thể hóa bằng những chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn cho đất nước, trong đó có dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Những chính sách đưa ra trong dự thảo Luật cần đảm bảo xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm tôi luyện những nhân tài cho đất nước.

Qua chiều dài lịch sử, trải qua nhiều phen binh lửa, thăng trầm nhưng  Hà Nội vẫn tiếp nối dòng chảy văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa, con người Hà Nội nên nét riêng tinh tế, hào hoa, nghĩa tình, văn minh. Đến nay, trong dòng chảy hiện đại thời hội nhập, bên cạnh việc gìn giữ nét đẹp đã có và phẩm chất con người Hà Nội cũng cần bổ sung thêm nhiều tiêu chí khác nữa.

Chúng ta cần đưa vào Luật những đặc trưng như “xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam” (khoản 1, điều 23), có ý nghĩa định hướng rất lớn nhưng cần cân nhắc kỹ từng giá trị. Trong số đó, tôi nghĩ “sáng tạo” nên là một phẩm chất quan trọng của người Hà Nội trong bối cảnh hiện nay, khi Hà Nội là thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, nơi tập hợp của tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ và có Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC) của cả nước. Hà Nội cần xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, ở đó trọng tâm là những con người sáng tạo được hình thành bởi giáo dục sáng tạo, không gian sáng tạo, được định hướng bởi giá trị “sáng tạo”.

So với những điểm nghẽn mà chúng ta vướng mắc ở luật pháp, tôi nghĩ rằng, chúng ta phải tháo gỡ những điểm nghẽn sau:

1) Phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản;

2) Chính sách trọng dụng nghệ nhân, nghệ sĩ (thu nhập, tuổi nghề, tạo điều kiện phát triển chuyên môn, xây dựng thương hiệu);

3) Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư trong văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao;

4) Quản lý, sử dụng tài sản công đối với các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa;

5) Chính sách cụ thể về thuế, đất đai để khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Một số điểm nghẽn này đã được đề cập trong dự thảo Luật, nhưng một số điểm nghẽn chưa được đề cập, hoặc mới chỉ đề cập chung chung, chưa cụ thể, vì thế cần được lưu ý nhiều hơn khi triển khai Luật.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần tháo gỡ những nghẽn khiến cho các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội gặp khó khăn, không huy động được nguồn lực xã hội cho việc phát huy giá trị của mình. Thời gian vừa qua, một số di tích ở Hà Nội như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng Thành – Thăng Long,... đang nỗ lực tự gỡ khó cho mình bằng những dự án đổi mới hoạt động nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần giải pháp căn cơ, bền vững hơn từ một hành lang pháp lý liên quan đến đối tác công – tư, quản lý, sử dụng tài sản công.

Vì thế, theo ý kiến của tôi, nhà nước chỉ nên giữ quyền quản lý, đưa ra các nguyên tắc, quy định quản lý, kiểm tra và giám sát quá trình quản lý và thực hiện các hoạt động ở các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa, còn ở một số các dịch vụ nhất định như giải khát, trông giữ xe, thậm chí là tổ chức hoạt động du lịch tại các thiết chế và địa điểm này có thể hợp tác với các tổ chức và cá nhân bên ngoài để làm tốt hơn công việc của mình.

Hà Nội có một đặc thù là có rất nhiều các thiết chế văn hóa, thể thao trung ương tại Hà Nội như hệ thống các bảo tàng, thư viện, nhà hát, sân vận động,… Tôi cho rằng, chúng ta nên cho phép các thiết chế văn hóa, thể thao trung ương này được áp dụng quy định tương tự khi chúng ta biết được rằng các quy định này có lợi cho sự phát triển văn hóa, thể thao, và các thiết chế này của trung ương thì đồng thời cũng vẫn phục vụ cho cả hoạt động văn hóa, thể thao của Hà Nội.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần quy định ưu đãi cho đầy đủ các ngành công nghiệp văn hóa có ưu thế ở Hà Nội như thời trang, phần mềm và các trò chơi giải trí, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc.../.

                          

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

ĐBQH thành phố Hà Nội